Doanh nghiệp cần nắm vững quy định để được thông quan các chất khó phân hủy

(HQ Online) - Theo ý kiến từ đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp nhập khẩu chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo Công ước Stockholm (chất POP) cần lưu ý các quy định, thủ tục về nhập khẩu để thực hiện đúng, nhằm thông quan hàng hóa thuận lợi.
Lưu ý về thủ tục nhập khẩu các chất khó phân hủy
Chung tay quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy
Khó cưỡng chế hãng tàu không tiêu hủy phế thải

Ngày 4/11, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn các quy định về nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa chất ô nhiễm khó phân hủy”.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.Dịu
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.Dịu

Hội thảo nhằm phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức triển khai có hiệu quả các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy (gọi tắt là chất POP) và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa chất ô nhiễm khó phân hủy, đánh giá nhu cầu nhập khẩu, sử dụng và thay thế các chất POP trong các ngành/lĩnh vực sản xuất; thủ tục đăng ký miễn trừ chất POP...

Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm khó phân hủy (chất POP) được các quốc gia ký kết và phê chuẩn thực hiện nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống trước những nguy cơ, rủi ro do các chất POP gây ra. Công ước Stockholm quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất POP do con người tạo ra, đồng thời, thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu liên tục sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh hoặc xử lý chất thải.

Từ năm 2002, Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước Stockholm. Để đáp ứng yêu cầu của Công ước, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm tại Việt Nam vào tháng 8/2006, nhằm quản lý an toàn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ các chất ô nhiễm khó phân hủy tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, các hoạt động kiểm soát các chất ô nhiễm khó phân hủy và các hóa chất độc hại khác để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người hiện là một vấn đề cấp thiết trên thế giới, đã và đang nhận được sự quan tâm ngày càng của cộng đồng quốc tế. Vì thế, hành động của cộng đồng doanh nghiệp vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa các cam kết quốc gia.

Trong bối cảnh đó, ông Vinh cho rằng, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần có những động thái mạnh mẽ hơn để đảm bảo tính minh bạch, sự tuân thủ cao và cam kết hoàn thành trách nhiệm nhằm thúc đẩy tiến trình giảm thiểu các rủi ro môi trường và sức khỏe con người.

Cũng về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Nhờ đó, Việt Nam sẽ tăng cường vai trò và trách nhiệm trong việc quản lý các chất POP đối với Công ước Stockholm.

Ông Thức cho hay, trong 5 năm 2018-2022, Việt Nam đã nhập khẩu một số chất POP lên tới hàng nghìn tấn. Các chất này đã được quy định tại Danh mục các chất POP ban hành kèm Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Liên quan đến việc thực hiện thủ tục hải quan để nhập khẩu chất POP và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực điện - điện tử, sản xuất cao su, nhựa, thiết bị y tế, dược phẩm, mỹ phẩm, Nghị định 08 quy định, từ ngày 1/1/2023, thông báo chấp thuận đăng ký miễn trừ chất POP của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ sở để cơ quan Hải quan xem xét, cho phép làm thủ tục hải quan đối với chất POP.

Vì thế, ông Hoàng Văn Thức lưu ý các doanh nghiệp nhập khẩu cần tìm hiểu và thực hiện đúng, nếu không sẽ bị xử phạt hoặc không đủ thủ tục thì hàng hóa về cảng sẽ không được thông quan.

Theo các ý kiến tại hội thảo, các doanh nghiệp cần nắm vững các quy định liên quan đến các chứng từ phải nộp cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục hải quan; các doanh nghiệp rà soát đối chiếu việc thực hiện các thủ tục hành chính như: đăng ký miễn trừ, ghi nhãn, đánh giá sự phù hợp; trách nhiệm về sử dụng, kinh doanh các mặt hàng này…

Ngoài ra, theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, các doanh nghiệp, chuyên gia cần nghiên cứu các quy định, nhất là danh mục các chất POP để tiếp tục có ý kiến, góp ý đến cơ quan chức năng. Hiện các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các cơ quan liên quan, trong đó có Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính để ban hành quy chuẩn, quy định về ngưỡng giới hạn trong việc sử dụng chất POP, lấy thông tin doanh nghiệp nhập khẩu chất POP để ban hành báo cáo quốc gia về sử dụng chất POP vào tháng 12 tới nhằm có bức tranh tổng thể cho quản lý doanh nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu...

Cũng tại hội thảo, Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam đã giới thiệu về chính sách cho vay ưu đãi đối với dự án liên quan đến chất POP. Quỹ này là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, nên các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có dự án đầu tư bảo vệ môi trường sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãu 2,6%/năm và 3,6% năm, tối đa 10 năm, số tiền vay bằng 80% tổng mức đầu tư dự án, bảo lãnh bằng tài sản thế chấp hoặc bảo lãnh của ngân hàng.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

(HQ Online) - Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

(HQ Online) - Việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước là một trong những yêu cầu cần thiết đặt ra nhằm hoàn thiện pháp luật về kiểm toán, qua đó giúp nâng cao hiệu lực kiểm tra, giám sát, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công, giảm thiểu thất thoát ngân sách nhà nước.

Đọc nhiều