Đề xuất bổ sung 2 chính sách cho Luật Dự trữ quốc gia

(HQ Online) - Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) sẽ giúp thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện xuất hàng DTQG, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Xây dựng, hiện đại hoá hệ thống triển khai chiến lược phát triển dự trữ quốc gia Tăng cường rà soát, xây dựng kế hoạch hàng dự trữ quốc gia đảm bảo sát thực tế Những đổi mới để ngành Dự trữ nhà nước sớm về đích
Việc quản lý, sử dụng kho DTQG được Tổng cục DTNN quán triệt thực hiện  theo đúng quy định của pháp luật. Ảnh: Tổng cục DTNN
Công tác quản lý, điều hành DTQG đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Ảnh: Tổng cục DTNN

Luật DTQG số 22/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật DTQG và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo khuôn khổ pháp lý căn bản, đầy đủ để thực hiện các hoạt động DTQG, chủ động đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đột xuất, cấp bách của Nhà nước, tạo cơ chế hình thành, quản lý, điều hành, sử dụng DTQG hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội; bước đầu đã huy động được sự tham gia của các thành phần kinh tế trong một số hoạt động DTQG…

Tuy nhiên, hiện Luật DTQG đã bộc lộ một số điểm cần sửa đổi, bổ sung để cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, đảm bảo tính kịp thời cho hoạt động DTQG trong đáp ứng mục tiêu DTQG.

Bộ Tài chính nêu thực tế, từ năm 2013 đến năm 2023, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQGH) bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm để mua bù hàng DTQG đã xuất cấp.

Tuy nhiên, do quy trình trình cấp có thẩm quyền quyết định kinh phí mua bù hàng DTQG qua nhiều cấp, mất nhiều thời gian (từ khi Chính phủ có văn bản trình đến khi UBTVQH có nghị quyết phê duyệt mất khoảng 2 tháng), trong khi đó các mặt hàng DTQG mua bù thường theo thời vụ (như mặt hàng lương thực, hạt giống cây trồng), hoặc phải đặt hàng, nhập khẩu từ nước ngoài (các mặt hàng an ninh, quốc phòng; một số mặt hàng vật tư nông nghiệp), việc bổ sung kinh phí chưa được kịp thời dẫn tới công tác triển khai thực hiện còn kéo dài (hoặc lỡ thời vụ), không kịp thực hiện trong năm kế hoạch phải chuyển dự toán sang năm sau thực hiện.

Trong khi đó, Điều 7 Luật DTQG quy định nguyên tắc "hàng dự trữ quốc gia sau khi xuất cấp phải được bù lại đủ kịp thời", như vậy việc bố trí ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG là hoàn toàn phù hợp và là điều kiện cần thiết để thực hiện nguyên tắc đã được Quốc hội quy định rõ tại Luật DTQG nêu trên.

Bên cạnh đó, việc quy định UBTVQH quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG là không cần thiết, không phù hợp với đặc thù của hoạt động DTQG .

Nên Bộ Tài chính cho rằng, để cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tính kịp thời cho hoạt động DTQG và thuận lợi trong thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật DTQG và pháp luật về ngân sách nhà nước, cần thiết phân cấp, thẩm quyền quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG cho Thủ tướng Chính phủ, qua đó sẽ giảm bớt phát sinh về thủ tục hành chính cho các cơ quan của Chính phủ, UBTVQH trong việc xem xét, trình phê duyệt bổ sung kinh phí mua bổ sung, mua bù hàng DTQG .

Do vậy, tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật DTQG, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung 2 chính sách cho Luật DTQG.

Chính sách thứ nhất là bổ sung cơ chế cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất hàng DTQG phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Bộ Tài chính cho rằng, việc bổ sung tình huống nhập, xuất hàng DTQG để phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện xuất hàng DTQG.

Chính sách thứ hai là bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp; đồng thời bỏ quy định UBTVQH quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất cấp; bỏ quy định Chính phủ trình UBTVQH quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất cấp.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí được bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành

Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí được bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành

(HQ Online) - Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 2108/QĐ-BTC sửa đổi bổ sung Quyết định số 2368/QĐ-BTC ngày 1/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.

Đọc nhiều