Đề xuất 5 yêu cầu quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho một số dự thảo thông tư liên quan đến thẩm định giá. Ảnh: ST |
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá, phạm vi công việc thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá, hồ sơ thẩm định giá.
Theo dự thảo, ban hành kèm theo Thông tư là các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam gồm: chuẩn mực thẩm định giá về quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá, chuẩn mực thẩm định giá về phạm vi công việc thẩm định giá, chuẩn mực thẩm định giá về cơ sở giá trị thẩm định giá, chuẩn mực thẩm định giá về hồ sơ thẩm định giá.
Trong đó, quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá bao gồm các yêu cầu cơ bản sau: chính trực; độc lập, khách quan; có năng lực chuyên môn và tính thận trọng; bảo mật thông tin và hành vi chuyên nghiệp.
Cụ thể, về chính trực thì thẩm định viên về giá cần thẳng thắn và trung thực trong các mối quan hệ công việc và chuyên môn; không được sử dụng những thông tin sai lệch, hoặc các thông tin được đưa ra một cách cẩu thả, thiếu cơ sở; không được bỏ bớt các thông tin mà nếu thiếu có thể gây hiểu nhầm cho người sử dụng báo cáo kết quả thẩm định giá…
Về độc lập, khách quan, thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá không được để cho sự thiên vị, xung đột lợi ích, sự tác động bởi bất kỳ lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào chi phối các xét đoán chuyên môn của thẩm định viên về giá.
Thẩm định viên về giá có hiểu biết về pháp luật, kiến thức chuyên môn về thẩm định giá và kỹ năng thực hành cần thiết để thực hiện thẩm định giá. Doanh nghiệp thẩm định giá cần đảm bảo những người trợ giúp thẩm định viên về giá trong công việc chuyên môn về thẩm định giá được đào tạo và có năng lực chuyên môn phù hợp để làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ của thẩm định viên về giá. Thẩm định viên về giá cần thận trọng kiểm tra các dữ liệu thu thập được và cân nhắc trước khi đề xuất kết quả thẩm định giá….
Về bảo mật, thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá không được tiết lộ các thông tin khách hàng yêu cầu bảo mật về cuộc thẩm định giá khi không được sự đồng ý của khách hàng thẩm định giá hoặc không được pháp luật cho phép. Trường hợp đã kết thúc cuộc thẩm định giá thì vẫn phải tuân thủ yêu cầu bảo mật.
Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá không được sử dụng các thông tin được khách hàng yêu cầu bảo mật về cuộc thẩm định giá để phục vụ lợi ích của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá hoặc lợi ích của bên thứ ba.
Doanh nghiệp thẩm định giá cần có biện pháp để tránh trường hợp những người tham gia thực hiện cuộc thẩm định giá, các chuyên gia tư vấn tiết lộ thông tin cần được bảo mật về cuộc thẩm định giá.
Về hành vi chuyên nghiệp, dự thảo Thông tư yêu cầu, thẩm định viên về giá và doanh nghiệp thẩm định giá cần đảm bảo việc thẩm định giá tuân thủ quy định của hệ thống chuẩn mực thẩm định giá và các quy định khác của pháp luật có liên quan; cần thể hiện trách nhiệm đối với khách hàng cũng như lợi ích công chúng…
Bộ Tài chính cho biết, các quy định đưa ra nhằm đảm bảo đồng bộ, kịp thời trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thẩm định giá theo thẩm quyền. Dự kiến, Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thẩm định giá tại doanh nghiệp thẩm định giá và hoạt động quản lý nhà nước về thẩm định giá.
Cùng với Thông tư trên, để thi hành Luật Giá năm 2023, Bộ Tài chính cũng đang tiếp tục lấy ý kiến về Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá, đồng thời lấy ý kiến dự thảo một số thông tư liên quan đến hoạt động thẩm định giá như chuẩn mực thẩm định giá tài sản vô hình, chuẩn mực thẩm định giá doanh nghiệp, đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về giá…
Ý kiến bạn đọc