Đề nghị tạo lập cơ chế chia sẻ thông tin trong điều hành giá

(HQ Online) - Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá năm 2023, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều nhiệm vụ cụ thể cho công tác bình ổn giá cũng như công tác phân tích, dự báo giá thị trường.
Yếu tố then chốt kiểm soát lạm phát từ chủ động điều hành giá Góp sức điều hành giá từ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại Còn áp lực lên mặt bằng giá, cần chủ động và linh hoạt phương án điều hành

Đề xuất Chính phủ quyết định chủ trương bình ổn giá

Theo đó, tại quy định về tổ chức thực hiện bình ổn giá theo khoản 1 Điều 20 Luật Giá, dự thảo Nghị định yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực có văn bản đề nghị bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương bình ổn giá.

Cụ thể, bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực về hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá khi đánh giá thấy mức độ biến động bất thường của hàng hóa, dịch vụ và cần thiết phải bình ổn giá thì tiến hành xây dựng báo cáo bình ổn giá.

Báo cáo này bao gồm các thông tin về căn cứ pháp lý, sự cần thiết phải thực hiện bình ổn giá với những phân tích về diễn biến và nguyên nhân mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp so với mặt bằng giá thị trường của một thời kỳ nhất định… cùng đề xuất thực hiện bình ổn giá và gửi Bộ Tài chính tổng hợp.

Trên cơ sở này, Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương bình ổn giá. Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo các thông tin khác phục vụ cho việc tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương bình ổn giá.

thực hiện một hoặc một số phương thức để xác định nguyên nhân biến động giá, làm cơ sở cho việc lựa chọn áp dụng biện pháp. Ảnh minh họa: H.Anh
Cần thực hiện phương thức để xác định nguyên nhân biến động giá, làm cơ sở cho việc lựa chọn áp dụng biện pháp bình ổn giá. Ảnh minh họa: H.Anh

Đặc biệt, dự thảo Nghị định cũng đề xuất Chính phủ quyết định chủ trương bình ổn giá, phân công trách nhiệm chủ trì cho bộ quản lý ngành, lĩnh vực về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, phân công trách nhiệm phối hợp cho các bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan.

Trên cơ sở chủ trương bình ổn giá của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm chủ trì triển khai, hướng dẫn ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện một hoặc một số phương thức để xác định nguyên nhân biến động giá, làm cơ sở cho việc lựa chọn áp dụng biện pháp, thời hạn và phạm vi bình ổn giá phù hợp.

Các phương thức bao gồm: kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định hoặc yêu cầu doanh nghiệp báo cáo một số yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hóa tồn kho của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; đánh giá giá cung cầu hàng hóa, dịch vụ.

Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành quyết định bình ổn giá gồm các nội dung: tên hàng hóa, dịch vụ được Chính phủ phê duyệt chủ trương bình ổn giá; biện pháp bình ổn giá áp dụng theo quy định tại Điều 19 Luật Giá; thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá; phạm vi áp dụng bình ổn giá; phân công trách nhiệm triển khai và báo cáo kết quả thực hiện bình ổn giá cho địa phương và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện bình ốn giá. Trong đó, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu Chính phủ và tổ chức thực hiện đối với các biện pháp bình ổn giá phù hợp với quy định của pháp luật để bình ổn giá.

Kịp thời, ứng phó với các tình huống biến động của giá cả

Liên quan đến công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá năm 2023 đặt ra yêu cầu là tạo lập thúc đẩy cơ chế chia sẻ thông tin thường xuyên, liên tục, kịp thời, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành và sự tham gia phối hợp của các địa phương.

Cùng với đó, phải tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các biện pháp, giải pháp quản lý, điều tiết giá trong từng thời kỳ. Kịp thời, ứng phó với các tình huống biến động của giá cả thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ kinh tế vĩ mô, phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Dự thảo Nghị định đề xuất, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý, các bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin giá cả hàng hóa, dịch vụ và cơ chế chính sách, biện pháp, giải pháp quản lý, điều tiết giá; hoạt động thu thập thông tin giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, phối hợp trong hoạt động phân tích, đánh giá thông tin; dự báo giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ; đánh giá, kiến nghị về mục tiêu kiểm soát lạm phát và đề xuất các biện pháp, giải pháp về quản lý, điều tiết giá nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Xây dựng báo cáo giá để phục vụ công tác chỉ đạo, điều tiết giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ và của các bộ, ngành.

Các bộ, ngành có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các thông tin về giá và dự báo giá thị trường, cơ chế chính sách quản lý giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; tổng kết, đánh giá và trao đổi kinh nghiệm về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; hợp tác quốc tế về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

(HQ Online) - Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Đọc nhiều