Công bố Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2023
Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam |
Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam và Top 10 Công ty Bất động sản - Xây dựng - Vật liệu xây dựng được Vietnam Report công bố tháng 3/2023. Đây là năm thứ mười ba liên tiếp danh sách FAST500 được công bố nhằm tìm kiếm, ghi nhận và vinh danh những doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam – những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt, dựa trên tiêu chí chính là tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR), và có trách nhiệm với xã hội. Bên cạnh đó, góp mặt trong danh sách Top 10 năm nay đều là các doanh nghiệp trụ cột trong ngành đã đạt nhiều thành tựu trong việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng, tạo dựng được hình ảnh ấn tượng trong mắt công chúng và nhà đầu tư, thể hiện bản lĩnh vững vàng với năng lực tài chính ổn định, sức chống chịu tốt khi phải đối mặt với bối cảnh thị trường khó khăn. Đó là lần lượt các cái tên: Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt; Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hải Hàng không Con Cá Heo; Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS; Công ty Cổ phần Vantage Logistics; Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong; Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Phim Chính; Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả; Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas; Công ty Cổ phần Thiện Phú Sĩ; Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam).
Kiên cường vươn lên giữa biến động
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, 81,3% số doanh nghiệp cho biết vẫn giữ vững được đà tăng trưởng doanh thu trong năm 2022. Khoảng 70% số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng lên so với năm trước, đặc biệt, hơn một nửa trong số đó đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 75%. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng lên của doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn 2021-2022 đều thấp hơn so với giai đoạn 2020-2021. Kết quả khảo sát còn cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận ổn định trong giai đoạn 2021-2022 cao hơn so với giai đoạn 2020-2021. So với kế hoạch đề ra, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022 vượt kế hoạch đều thấp hơn so với năm 2021 trong khi tỷ lệ doanh nghiệp chưa đạt kế hoạch lại cao hơn.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) trung bình của Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam giai đoạn 2018-2021 đạt 24,6%, trong đó, khu vực tư nhân đạt 25,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 22,2% và khu vực nhà nước đạt 17,7%. Đáng chú ý, năm nay, khu vực tư nhân vươn lên dẫn đầu về CAGR và có mức tăng so với giai đoạn trước lớn nhất (+2,3%), phản ánh khả năng phục hồi và sức bật mạnh mẽ của khối doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, mặc dù tốc độ tăng trưởng doanh thu kép của các doanh nghiệp FAST500 đã được cải thiện so với giai đoạn 2017-2020 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với các giai đoạn trước đó.
Kết quả khảo cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận số lượng đơn hàng tăng lên trong năm vừa qua chỉ đạt 69,6%, sụt giảm đáng kể so với một năm trước đó (82,1%), tương đương giảm 17,6%. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp giảm số lượng đơn hàng cũng cao hơn nhiều so với một năm trước đó (21,7% so với 7,1%).
CAGR trung bình theo khu vực kinh tế của bảng xếp hạng FAST500 |
Trong bối cảnh đó, điểm đáng lưu ý là mặc dù số lượng đơn hàng giảm sút nhưng tỷ lệ cắt giảm nhân sự giai đoạn 2021-2022 lại thấp hơn so với tỷ lệ này ở giai đoạn 2020-2021. Điều này càng làm nổi bật những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp FAST500 trong việc vượt qua thách thức, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Vẫn vững tin về một tương lai tươi sáng
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, 93,9% doanh nghiệp được hỏi lo ngại rằng suy thoái toàn cầu sẽ là rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2023. Cộng đồng doanh nghiệp vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch, cần tích lũy để phục hồi nay lại phải đương đầu với nhiều cú sốc như tình hình xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ và EU, lạm phát tăng cao… Sự kết hợp cùng lúc của nhiều cú sốc đang kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống. Nhiều tổ chức dự kiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc trong năm 2023. GDP thế giới năm nay được Ngân hàng Thế giới (WB) điều chỉnh dự báo tăng trưởng ở mức 1,7%, thấp hơn nhiều so với mức 3% mà WB công bố hồi tháng 6/2022. Trong nước, thị trường tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro; lãi suất, tỷ giá đều phải điều chỉnh tăng. Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động vốn từ phát hành trái phiếu do bị ảnh hưởng của khủng hoảng niềm tin…69,7% số doanh nghiệp lại lo ngại “chướng ngại vật” tiếp theo là giá cả chi phí đầu vào, chi phí nguyên vật liệu, giá xăng dầu, vật tư tăng cao,... kế đó là: quan ngại từ thiên tai, dịch bệnh khó lường (36,4%); áp lực đơn hàng giảm, triển vọng xuất khẩu kém (33,3%); và khó khăn trong tuyển dụng được nhân tài phù hợp với yêu cầu lao động của doanh nghiệp (33,3%).
Đánh giá triển vọng tăng trưởng trong năm 2023 của các doanh nghiệp FAST500 |
Tuy nhiên, không ít chuyên gia và doanh nghiệp vẫn có cái nhìn lạc quan, tích cực về triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2023 khi dựa trên cơ sở mối lo ngại lạm phát dần được giải tỏa và các ngân hàng trung ương đi đến chu kỳ cuối của chính sách thắt lưng buộc bụng. Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của WB dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt mức 6,3%-cao thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo rất tích cực về tăng trưởng của toàn nền kinh tế nước ta với tốc độ 7,2% trong cả năm 2023.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã có những “nước cờ” tốt, trở thành đối tác đáng tin cậy, nhanh nhạy và nổi lên như một nền kinh tế kiên cường trong thế giới đầy bất ổn vào năm 2022, các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực đã trở nên linh hoạt hơn và tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu; động lực từ mức FDI cao trong năm 2022, đặc biệt là tỷ lệ FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, các dự án phức hợp sản xuất hoặc nghiên cứu phát triển (R&D) ngày càng tăng được kỳ vọng sẽ có tác động lan tỏa, tạo sức ép cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước cũng như tiềm năng để các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI lớn; hơn nữa, việc đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc tái mở cửa vào năm 2023 tạo thêm cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt. Ngoài ra, hoạt động du lịch sôi động trở lại cũng tạo thêm xung lực mới cho tăng trưởng năm 2023 khi tính chung hai tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.804,1 nghìn lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước. Một động lực khác được kỳ vọng là tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới.
Về kế hoạch trong năm 2023, Vietnam Report thông tin, 62,5% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh và 37,5% doanh nghiệp muốn giữ nguyên quy mô kinh doanh hiện tại.
Trong khuôn khổ Lễ công bố, Vietnam Report nghiên cứu và xuất bản Báo cáo song ngữ Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng trưởng tối ưu giữa biến động”. Bên cạnh những tổng kết về thành quả đã đạt được trong năm 2022 và quý I/2023, báo cáo đưa ra dự báo về các thách thức, triển vọng cho giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, những gợi ý trong báo cáo sẽ giúp các doanh nghiệp có thể sớm đưa ra chiến lược hoạch định nguồn lực phù hợp để có thể duy trì sức chống chịu, đạt được kết quả kinh doanh ổn định giữa bối cảnh có nhiều biến động và tạo đà cho quá trình bứt phá trong tương lai khi chuyển sang chu kỳ kinh tế mới.
Trong dịp này, Ban Tổ chức cũng vinh danh Top 50 Doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc Việt Nam nhằm ghi nhận và tôn vinh những doanh nghiệp tiêu biểu trong FAST500 vừa giữ vững tốc độ tăng trưởng ấn tượng giai đoạn 2018-2022, vừa có đóng góp đáng kể cho cộng đồng, cho xã hội và cho ngân sách quốc gia trong thời kì hội nhập. |
Ý kiến bạn đọc