Cơ hội việc làm cho lao động ngay từ đầu năm

(HQ Online) - Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng đa số người lao động về quê ăn Tết đều đã trở lại làm việc. Nhiều doanh nghiệp (DN) cũng đang tuyển dụng lao động để mở rộng sản xuất trong năm mới 2021.
Doanh nhân Việt kiều Johnathan Hạnh Nguyễn: Làm việc gì có lợi cho đất nước thì tập trung làm
Người lao động thay đổi để thích ứng, tìm kiếm cơ hội việc làm sau dịch
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Sài Gòn Food.	Ảnh: ST
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Sài Gòn Food. Ảnh: ST

Ổn định lao động sau Tết

Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu, hiện công nhân, lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… đa số đã trở lại làm việc ngay từ những ngày đầu năm.

Đảm bảo an toàn sản xuất

Song song với việc đảm bảo nguồn nhân lực, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang được các DN triển khai hiệu quả nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh.

Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Hepza, do tình hình dịch, các DN đều đã thông báo đến người lao động về việc khai báo y tế sau khi trở lại TPHCM làm việc. Một số DN cũng yêu cầu đối với công nhân trở về từ vùng dịch phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế và thực hiện nghiêm việc cách ly. Bên cạnh đó, DN cũng chủ động trang bị máy đo thân nhiệt, khử khuẩn, yêu cầu người lao động mang khẩu trang, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch một cách nghiêm túc.

Với số lượng công nhân đông, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cho biết, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều công nhân của công ty ở lại TPHCM đón tết. Dẫu vậy, công ty cũng chủ động thông báo công nhân giãn thời gian trở lại công ty, tránh tình trạng tập trung quá đông người một lúc, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động Hà Nội, tính đến ngày 17/2, có 90,6% DN đã mở xưởng để sản xuất, với 94,5% số công nhân lao động trở lại làm việc, tập trung ở các DN thuộc các khu công nghiệp và chế xuất, ngành dệt may, DN sản xuất quy mô lớn. Một số DN có kế hoạch mở cửa làm việc vào thứ hai, ngày 22/2. Đặc biệt, một số DN đã mở xưởng ngay từ ngày mùng 4 tết Nguyên đán.

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (Hepza), trong ngày đầu tiên làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết năm nay, có khoảng 40% DN trong các khu chế xuất, khu công nghiệp hoạt động trở lại. Tỷ lệ công nhân đi làm đạt hơn 60%. Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Hepza cho biết, ngày 17/2, một số công ty mới chỉ mở cửa đón người lao động đến gặp mặt, chưa hoạt động chính thức. Từ ngày 18/2, lượng công nhân làm sẽ đạt mức cao hơn, khi các doanh nghiệp chính thức triển khai sản xuất. Bên cạnh đó, trong dịp nghỉ Tết vừa qua, có trên 75% người lao động không về quê, nên sự thiếu hụt lao động tại các DN sẽ không đáng kể.

Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, theo thống kê sơ bộ đến ngày 17/2, đã có trên 90% công nhân lao động trên địa bàn tỉnh đi làm trở lại. Các DN lớn có đông công nhân lao động, tỉ lệ công nhân đi làm trở lại đều đạt 95%. Tương tự, tại Bình Dương, số lao động trên địa bàn tỉnh đã trở lại làm việc đạt trên 95%. Đặc biệt, để đảm bảo cho những đơn hàng đầu năm 2021, cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động không về quê ăn Tết do dịch bệnh, đã có 44 DN trong và ngoài khu công nghiệp Bình Dương tổ chức làm việc xuyên Tết với 6.752 lao động.

Đề cập về sự biến động nhân lực, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng cho biết, hiện công ty đã có hơn 70% công nhân công ty trở lại làm việc. Dự kiến đến khoảng mùng 8 Tết, công nhân các tỉnh xa sẽ trở lại công ty đầy đủ. Biến động thiếu hụt lao động đầu năm sẽ nằm trong khoảng 10%. Tương tự, tại Công ty cổ phần Sài Gòn Food, sau Tết lượng công nhân trở lại làm việc chiếm tỷ lệ cao. Vài năm trở lại đây, nhờ thực hiện chế độ lương, thưởng và phúc lợi cho công nhân nên sau Tết sự thiếu hụt lao động tại công ty là rất ít. Cụ thể, Sài Gòn Food đã dành khoảng 48 tỷ đồng để chăm lo tết Tân Sửu cho người lao động. Công ty cũng đã tổ chức các chuyến xe đón công nhân trở lại làm việc và sẽ xuất phát vào mùng 10 tại tỉnh Thanh Hóa.

Sẵn sàng nhân lực cho mở rộng sản xuất

Mặc dù nguồn nhân lực không bị biến động lớn trong năm 2021, nhưng hiện nhiều DN đang có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn để sẵn sàng cho việc sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh.

Được biết, hiện hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đang có gần 20.000 nhân sự và đợt tuyển dụng bổ sung quy mô lớn ngay từ đầu năm được cho là tín hiệu chuẩn bị cho hàng loạt dự án mới sẽ được nhà bán lẻ này cho “bùng nổ” trong năm 2021 sau thời gian cẩn trọng quan sát diễn biến thị trường và động thái của các đối thủ. Cụ thể, các chức danh Saigon Co.op đang có nhu cầu tuyển dụng gồm: giám đốc chuỗi, giám đốc khu vực của chuỗi siêu thị Co.opmart, Co.op Food, các chức danh quản lý của chuỗi siêu thị cao cấp Finelife lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, giám đốc chuỗi bách hóa hiện đại Co.opSmile, Cheers. Ngoài ra còn tuyển các chức danh cao cấp và nhân viên các lĩnh vực công nghệ thông tin, quản lý chất lượng, kế toán, kiểm toán, nhân sự, trung tâm huấn luyện nghiệp vụ, kho…

Ghi nhận tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp… trên địa bàn TPHCM, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài đang có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn như: Công Ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vina đang có nhu cầu tuyển dụng kỹ sư điện tử, công nhân sản xuất với số lượng hơn 300 người; Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Việt Nam cũng có thông báo tuyển 300 công nhân với mức thu nhập bình quân từ 8,5 – 10 triệu đồng/tháng. Để thu hút lao động tham gia tuyển dụng, đơn vị này cho biết sẽ hỗ trợ chỗ ở và xe đưa rước công nhân.

Theo ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn ra trên toàn thế giới, dự kiến nhu cầu nhân lực tại TPHCM năm 2021 cần khoảng 270.000 – 300.000 chỗ làm việc, trong đó có 140.000 chỗ việc làm mới. Các DN thực hiện kế hoạch tuyển dụng nhân sự cho hoạt động ổn định phát triển và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nhu cầu nhân lực chuyển dịch theo hướng gia tăng lao động có trình độ, tay nghề, tập trung ở các ngành như công nghệ thông tin - điện tử; cơ khí; hóa chất – nhựa – cao su; vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng…

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều