Chủ tịch VinGroup, Thaco, Sun Group, Sovico… hiến kế cho phát triển kinh tế
Kinh tế Việt Nam: Tăng trưởng tích cực cả về lượng và chất Thúc giục đưa dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh Thủ tướng: Khắc phục hậu quả bão lũ, giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% |
Thủ tướng Chính phủ trao đổi với các doanh nghiệp tư nhân lớn tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Gỡ vưỡng nhà ở xã hội và phát triển công nghiệp phụ trợ
Là tập đoàn sở hữu 6 thương hiệu thuộc Top 100 thương hiệu giá trị nhất và mạnh nhất Việt Nam, hiến kế cho phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VinGroup Phạm Nhật Vượng đề xuất Chính phủ đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam đã có những tập đoàn tư nhân vươn ra khu vực và thế giới. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của 12 doanh nghiệp tư nhân lớn tham dự Hội nghị hôm nay đạt khoảng 70 tỷ USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn còn nhiều rào cản, hạn chế; chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng. Vì vậy, các doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác. |
Theo ông Phạm Nhật Vượng, Tập đoàn VinGroup và các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia tài trợ cho giáo viên tăng cường lên vùng sâu vùng xa.
“Nếu chúng ta đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu vùng xa đến các thành thị thì giống như chúng ta tạo "cần câu cơm" tốt hơn cho trẻ ở những vùng khó khăn, góp phần phát triển các vùng này trong tương lai”, Chủ tịch VinGroup nêu.
Hơn nữa, ông Phạm Nhật Vượng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hoặc mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn… qua đó sẽ tạo ra một lượng lớn lao động trong ngành này. Bởi trên thực tế, ngành này sẽ có tương lai hơn rất nhiều so với các ngành khác.
Về vấn đề an sinh, trọng tâm là nhà ở xã hội, lãnh đạo Tập đoàn VinGroup đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục.
Ngoài ra, hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là liên quan đến quy định về việc khống chế lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản ở mức 10%. Theo ông Vượng, với mức này thì các doanh nghiệp không thể làm được, vì chỉ tồn đọng vốn 1-2 năm hoặc bán chậm 1-2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh.
Đồng thời, Tập đoàn VinGroup cũng đề nghị Chính phủ cho tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, tức là phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ cũng như các tiện ích khác… Trong nhóm nhà ở xã hội, cũng cần dành riêng khu cho cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, quân đội…
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VinGroup phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Cùng với các vấn đề trên, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đề nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có đủ điều kiện ban đầu tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ, bởi hiện cũng đã có một số doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất lĩnh vực này.
Cũng liên quan đến phát triển công nghiệp phụ trợ, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cho rằng, Tập đoàn đang triển khai tiếp khu công nghiệp sản xuất về cơ khí công nghiệp hỗ trợ, vì hiện nay các nước FDI đưa sang Việt Nam lắp ráp và chuyển về rất nhiều, trong khi chúng ta sản xuất từ 35-40% các chi tiết linh kiện, phụ tùng… Vì thế, theo ông Dương, việc phát triển lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cầnđược quan tâm hơn bởi đây cũng là cơ hội phát triển công nghiệp nền tảng ở Việt Nam cũng như gia tăng xuất khẩu.
Gia tăng giá trị xuất khẩu, du lịch
Tại Hội nghị, đại diện Tập đoàn Masan đã đưa ra kiến nghị về gia tăng giá trị xuất khẩu cho Việt Nam. Bởi thời gian qua, giá trị xuất khẩu ở Việt Nam tăng trưởng và phát triển tốt, nhưng đã đến lúc phải tăng trưởng về chất, không tập trung quá về số lượng.
Để lan tỏa văn hóa ẩm thực, tăng lợi thế cạnh tranh, mang văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, Tập đoàn Masan đề nghị Chính phủ ban hành lộ trình, chiến lược vươn ra toàn cầu của ẩm thực Việt Nam, xây dựng hình ảnh hưởng thương hiệu ẩm thực của quốc gia, tạo nên những ẩm thực đại sứ của Việt Nam.
Ngoài ra, Masan cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương có đề án xây dựng cổng thông tin cẩm nang và các tài liệu hướng dẫn về các tiêu chuẩn kỹ thuật khi xúc tiến thương mại tại các nước trên thế giới để doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài có thể dễ dàng tham khảo và tiếp cận.
Liên quan đến lĩnh vực du lịch, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group kiến nghị xem xét áp dụng mô hình thương mại tự do tại các địa bàn tiềm năng du lịch biển đảo như Phú Quốc… nhằm phát triển thu hút đầu tư. Đồng thời, Chủ tịch Sun Group đề nghị các bộ, ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về những cơ chế ưu đãi cho khách du lịch nước ngoài.
Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico đề nghị cần đưa Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới, bằng cách khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá quốc tế như Bangkok, Singapore, Hàn Quốc…
Ngoài ra, theo bà Thảo, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu sản xuất linh kiện tàu bay. Với số lượng đặt hàng tàu bay lớn, Việt Nam có điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất linh kiện và lắp ráp tàu bay.
Cùng với những vấn đề trên, lãnh đạo các tập đoàn lớn còn kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Ree Group đề xuất Chính phủ nên giao quyền cho tỉnh để cấp chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp bởi tỉnh hiểu rõ về năng lực, uy tín của từng nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KN Group bày tỏ mong muốn Chính phủ có chính sách khuyến khích đầu tư đột phá, đảm bảo cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, AI…
Ý kiến bạn đọc