Chủ tịch HĐQT VPBank: Không loại trừ khả năng sẽ mua cổ phiếu quỹ trong năm tới

(HQ Online) - Lãnh đạo VPBank khẳng định, việc ngân hàng tăng vốn không liên quan đến thị trường chứng khoán thuận lợi hay không, do tăng bằng nguồn lợi nhuận và quỹ dư để lại.
VPBank đạt lợi nhuận kỷ lục, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước
VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận gần 30.000 tỷ đồng, mua lại một công ty bảo hiểm
VPBank chốt room ngoại 15%, "dọn đường" cho nhà đầu tư chiến lược?

Chiều 29/4, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.

Chủ tịch HĐQT VPBank: Không loại trừ khả năng sẽ mua cổ phiếu quỹ trong năm tới
VPBank tăng vốn "khủng" lên gần 80.000 tỷ đồng. Ảnh: H.Dịu

Không chia cổ tức, tăng vốn điều lệ lên gần 80.000 tỷ đồng

Báo cáo tại đại hội, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, năm 2022 VPBank tiếp tục lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ lên gần 80.000 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và trả cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo đó, VPBank dự kiến trong đợt 1 sẽ phát hành tối đa hơn 2.237 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 500 cổ phiếu mới). Thời gian thực hiện dự kiến vào quý II hoặc quý III/2022.

Tiếp đến trong đợt 2, VPBank dự kiến phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Số lượng cổ phiếu phát hành tối đa là 1.190 triệu cổ phiếu. Mức giá phát hành do Hội đồng quản trị quyết định theo thỏa thuận, đàm phán giữa hai bên, đảm bảo không thấp hơn giá trị sổ sách của VPBank.

Thời gian phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài là sau khi có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dự kiến trong năm 2022. Nếu hoàn thành 2 đợt phát hành trên, vốn điều lệ của VPBank sẽ lên tới 79.334 tỷ đồng, mức vốn điều lệ cao nhất hệ thống ngân hàng hiện nay.

Ngoài ra, VPBank cũng có kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên, trong đó dự kiến 10 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên là người nước ngoài tại ngân hàng.

Trước đó, trong năm 2021, vốn điều lệ của VPBank đã tăng mạnh từ 25.000 tỷ đồng lên hơn 45.000 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 80%.

Nói về vấn đề tăng vốn, ông Ngô Chí Dũng nhận định, thị trường chứng khoán có thuận lợi hay không cũng không ảnh hưởng. Việc tăng vốn sẽ thực hiện được bình thường theo đúng lộ trình, tăng bằng nguồn lợi nhuận và quỹ dư để lại.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, ĐHĐCĐ đã thông qua phương án giữ lại khoản lợi nhuận còn lại sau khi trích quỹ bắt buộc là 21.258 tỷ đồng nhằm giữ lại nguồn vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Tín dụng bất động sản tiếp tục là một mảng quan trọng

Về kế hoạch lợi nhuận, năm 2022, VPBank đặt mục tiêu tăng lợi nhuận trước thuế lên 29.662 tỷ đồng, tăng tới 107% so với năm trước, trong đó, lợi nhuận của ngân hàng mẹ ước đạt trên 23.000 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với năm trước. Mức lợi nhuận này hiện chỉ đứng thứ 2 trong toàn hệ thống, sau Vietcombank (trên 30.000 tỷ đồng).

Tổng tài sản mục tiêu tăng 27%, lên 697.413 tỷ đồng; tiền gửi tăng 28% và tín dụng tăng 35%. VPBank cho biết con số tăng trưởng tín dụng 35% được đưa ra trên nhu cầu và năng lực của ngân hàng, còn số liệu thực tế sẽ thực hiện dựa trên các hạn mức tối đa và quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu phấn đấu dưới 2%.

Tại Đại hội, nhiều cổ đông đã đặt ra lo ngại về những ảnh hưởng tới lợi nhuận của VPBank khi Chính phủ thắt chặt tín dụng vào bất động sản. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, các chủ trương, chính sách của Chính phủ là hết sức bình thường khi thị trường phát triển quá nóng. Tuy nhiên, bất động sản là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế nói chung và đối với ngành ngân hàng nói riêng. Hiện dư nợ tín dụng bất động sản tại VPBank chiếm chưa tới 10% tổng dư nợ, 40% dư nợ này tập trung vào mảng cho vay mua nhà, nên đây tiếp tục là một mảng quan trọng của ngân hàng.

Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh, đối với các khoản vay mua bất động sản nghỉ dưỡng, các khoản vay mang yếu tố đầu cơ thì Ban lãnh đạo sẽ có các biện pháp kiểm soát. Vì thế, việc thị trường bất động sản có thể phát triển chậm lại do siết tín dụng thì cũng không ảnh hưởng tới hoạt động của VPBank.

Nói về tình hình đầu tư trái phiếu, Tổng giám đốc VPBank cho hay, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn rất quan trọng, đặc biệt là trong trung và dài hạn. Do đó, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu cho các dự án bất động sản vẫn là một phần quan trọng của VPBank. Theo ông Vinh, VPBank đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp ở mức khá cao, chiếm 11-12% tổng dư nợ nhưng tất cả trái phiếu này đều được thẩm định, đánh giá như một khoản vay trung dài hạn, đều có tài sản đảm bảo tốt.

Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ, các cổ đông đã thông qua phương án mua cổ phần tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm OPES, tăng góp vốn bổ sung vào Công ty Chứng khoán ASC. Ông Ngô Chí Dũng cho hay, động thái này nằm trong sứ mệnh phát triển theo mô hình tập đoàn tài chính, có tác động bổ trợ cho hoạt động chung của hệ thống.

Về việc bán 15% vốn cho đối tác chiến lược, ông Ngô Chí Dũng thông tin, VPBank đang tiến hành đàm phán và dự kiến trong quý 2 hoặc quý 3 năm nay việc bán vốn sẽ hoàn thành

Bên cạnh đó, trước thắc mắc của cổ đông về việc giá cổ phiếu VPB đang xuống thấp, ông Ngô Chí Dũng cho hay, VPBank đang có bộ đệm về vốn, nền tảng tốt, nên trong năm tới, không loại trừ khả năng VPBank sẽ xin mua cổ phiếu quỹ, sau đó lựa chọn thời điểm thích hợp có thể bán như một khoản đầu tư sinh lời.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

(HQ Online) - Hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, nhưng với xu thế về phát triển bền vững, các doanh nghiệp mong muốn KCN được đầu tư phát triển thành hệ sinh thái, cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường cũng như có sự liên kết giữa các doanh nghiệp.
Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

(HQ Online) - Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã nhập khẩu 2,65 triệu tấn sắt thép các loại, tăng 85,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thép là vấn đề còn gây tranh cãi.
Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt mức cao nhất trong các năm

Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt mức cao nhất trong các năm

(HQ Online) - Brand Finance – tổ chức hàng đầu thế giới của Anh vừa công bố Bảng xếp hạng giá trị thương hiệu toàn cầu. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trở thành thương hiệu viễn thông mạnh thứ 2 thế giới, vượt qua nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn như Swisscom (Thụy Sĩ), Jio (Ấn Độ), STC (Ả Rập Xê Út)…

Đọc nhiều