Chỉ 4% doanh nhân, người lao động được khảo sát hiểu rõ về Thỏa thuận Xanh EU

(HQ Online) - Trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD), các chính sách xanh bao trùm tất cả lĩnh vực kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) được dự báo sẽ tác động trực tiếp tới hàng hóa nhập khẩu vào EU.
Nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ về cơ chế EU CBAM Doanh nghiệp xuất khẩu thích ứng với cơ chế “xanh hóa” của EU Doanh nghiệp chủ động hội nhập để vượt qua "rào cản xanh"
Chỉ 4% doanh nhân, người lao động được khảo sát hiểu rõ về Thỏa thuận Xanh EU
Theo các chuyên gia, các chính sách xanh của EU sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: HD

Thỏa thuận Xanh châu Âu là chương trình tổng thể và dài hạn của EU nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050. Triển khai thực hiện Thỏa thuận Xanh, EU đang và sẽ xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, văn bản chính sách, pháp luật cụ thể trong hầu khắp lĩnh vực kinh tế.

Theo đó, các chính sách xanh này đặt ra nhiều tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu xanh mới và/hoặc nâng cấp từ các quy định hiện hành. Những quy định gần đây của EU về cấm nhập khẩu một số loại nông sản từ đất phá rừng (EUDR), về yêu cầu khai báo và nộp thuế phát thải carbon đối với sắt thép nhập khẩu (CBAM), về giảm hạn mức dư lượng kháng sinh, chất tồn dư tối đa trong thực phẩm nhập khẩu… được nhận định chỉ là một số trong nhiều hành động của EU triển khai Thỏa thuận Xanh.

Theo kế hoạch, EU đang và sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe khác đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam. Quan trọng hơn, nhiều thị trường xuất khẩu khác cũng đang có dự kiến thực hiện các chính sách tương tự EU.

Tại Hội thảo Thỏa thuận Xanh EU và Tác động tới xuất khẩu Việt Nam - Những điều doanh nghiệp cần biết do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ của Viện FNF (Đức) tổ chức vào ngày 16/11, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho rằng, các chính sách xanh của EU ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam theo các cách thức khác nhau, phổ biến nhất là làm gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu; đồng thời gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất cho các mục tiêu “xanh, bền vững”.

Cùng với đó là các đòi hỏi tăng thêm về thủ tục khai báo thông tin, về trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu, hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về các khía cạnh “xanh, bền vững” của sản phẩm cho người tiêu dùng…

Trong khi đó, một khảo sát nhanh do VCCI thực hiện vào tháng 8/2023 cho thấy có tới 88-93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới Thỏa thuận Xanh hoặc các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp biết rõ về Thỏa thuận Xanh EU chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia khảo sát khác (8-12%).

Vì thế, theo các chuyên gia, điều cần làm là các doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu về Thỏa thuận Xanh để nhận biết, nắm bắt chính xác và thường xuyên cập nhật về các chính sách xanh cụ thể của EU có liên quan tới từng loại sản phẩm xuất khẩu.

Bởi về lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp. Việc thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp đi các thị trường phát triển khác vốn cũng đang thúc đẩy các hành động tương tự như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia…

Mặt khác, các doanh nghiệp kiến nghị, cơ quan chức năng cần hỗ trợ hiệu quả quá trình thích ứng với các tiêu chuẩn xanh EU thông qua việc cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác và chi tiết về các tiêu chuẩn xanh EU theo nhóm 5 sản phẩm cụ thể; tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện; phối hợp với phía EU trao đổi về cách thức thực thi phù hợp, về các hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt Nam…

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều