Bán “gà đẻ trứng vàng” FE Credit, VPBank thu được gì?

(HQ Online) - Ngày 28/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG, Tập đoàn SMBC) để bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) với mức định giá là 2,8 tỷ USD.
FE Credit- Một thập kỷ đồng hành cùng 11 triệu khách hàng
NHNN yêu cầu công ty tài chính chấn chỉnh hoạt động
VPBank có thể bán 49% cổ phần FE Credit, không chia cổ tức
Mr Kalidas Ghose - Tổng giám đốc FE Credit phát biểu tại lễ ký kết.
Mr Kalidas Ghose - Tổng giám đốc FE Credit phát biểu tại lễ ký kết.

Trong đó, Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do SMFG sở hữu 100% vốn, là pháp nhân đứng ra mua phần vốn góp này.

Với mức định giá để bán FE Credit là 2,8 tỷ USD, SMBCCF phải chi khoảng 1,37 tỷ USD để sở hữu 49% vốn FE Credit.

Tập đoàn SMBC là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, với tổng tài sản trên 2.100 tỷ USD tại thời điểm 31/12/2020. Tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp, và ngân hàng đầu tư trên toàn cầu, với sự hiện diện tại trên 40 quốc gia.

SMBCCF là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu thị trường Nhật Bản với hơn 900 chi nhánh trên toàn quốc. Trong khu vực châu Á, SMBCCF đã thành lập công ty con tại Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan và Trung Quốc.

VPBank cho biết, thông qua giao dịch này, FE Credit kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, năng lực quản trị điều hành, và các kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại châu Á từ Tập đoàn SMBC, đặc biệt là từ SMBCCF. Đồng thời, giao dịch này sẽ bổ sung một nguồn vốn lớn cho VPBank.

Đối với Tập đoàn SMBC, khoản đầu tư vào FE Credit là một phần trong chiến lược trung hạn nhằm mở rộng nền tảng kinh doanh tại châu Á của Tập đoàn.

FE Credit hiện là công ty tài chính tiêu dùng chiếm khoảng 50% thị phần, 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc và đã phục vụ gần 11 triệu khách hàng tại Việt Nam.

Ngày mai (29/4), VPBank sẽ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ). Trong tài liệu trình ĐHĐCĐ, HĐQT có tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc bán vốn đầu tư của ngân hàng này tại các công ty con. Tỷ lệ, giá bán và đối tác sẽ do HĐQT quyết định.

Tuy nhiên, vấn đề này đã được ĐHĐCĐ năm 2020 của ngân hàng này đưa ra bàn luận. Khi đó, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, FE Credit là công ty tài chính nên có thể kêu gọi bán vốn tới 49%. Nhưng như vậy thì quyền lợi của ngân hàng mẹ sẽ giảm đi. Tuy nhiên, khi có đối tác chiếm đến 49% thì sẽ đem lại tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản trị điều hành… Hơn nữa, nguồn tiền này sẽ giúp ngân hàng mẹ tăng vốn, giúp tập trung hơn vào các mảng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

FE Credit được cho là "gà đẻ trứng vàng" cho VPBank trong nhiều năm trở lại đây. Trong giai đoạn 2016-2019, FE Credit thường đóng góp 45-50% trong tổng lợi nhuận hợp nhất của VPBank. Nếu tính từ khi thành lập đến nay, FE Credit đã mang lại cho VPBank gần 19.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Tính đến 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng của FE Credit là 66.000 tỷ đồng. Nhưng trong năm 2020, lãi trước thuế của FE Credit đạt hơn 3.700 tỷ đồng, giảm 17% so với năm trước. Tuy nhiên, công ty tài chính này vẫn đóng góp khoảng 28% vào lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank.

Hồi tháng 1, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng từng dự báo thương vụ thoái vốn khỏi FE Credit của VPBank có thể được hoàn thành trong nửa đầu 2021 với định giá cổ phiếu vào khoảng 3-4 lần giá trị sổ sách.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, rất có thể lãi từ việc bán vốn nêu trên sẽ không được ghi nhận như một khoản thu nhập trên báo cáo kết quả kinh doanh mà sẽ được ghi nhận vào khoản mục lợi nhuận giữ lại trên bảng cân đối kế toán.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Cách ngân hàng VPBank gia tăng phúc lợi cho người lao động

Cách ngân hàng VPBank gia tăng phúc lợi cho người lao động

(HQ Online) - Với nhiều ưu đãi nổi bật, gói dịch vụ chi lương kèm chương trình tặng Bảo hiểm tai nạn con người – mở rộng trợ cấp mất việc làm của VPBank đã cho thấy sự đồng hành, chia sẻ của ngân hàng với doanh nghiệp trong việc gia tăng phúc lợi, thể hiện trách nhiệm với người lao động.

Đọc tiếp

Đọc nhiều