16 ngân hàng đã giảm hơn 18.000 tỷ đồng tiền lãi, đạt gần 90% cam kết
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố kết quả giảm lãi suất, giảm chi phí dịch vụ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Theo đó, lũy kế từ ngày 15/7 đến 30/11/2021, tổng số tiền giảm lãi của 16 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) là khoảng 18.095 tỷ đồng, đạt 87,78% so với cam kết.
Trong đó, các ngân hàng VietinBank, SHB, TPBank, MSB, SeABank đã vượt cam kết, thậm chí MSB, SeABank còn vượt gấp hơn 3 lần so với cam kết.
Tổng tiền lãi đã giảm hỗ trợ khách hàng của 16 ngân hàng từ 15/7 đến 30/11. Biểu đồ: H.Dịu |
Cụ thể, đứng đầu là Agribank với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 5.176 tỷ đồng (đạt 90,8% so với cam kết) với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,41 triệu tỷ đồng cho gần 3,75 triệu khách hàng.
Tiếp đó là Vietcombank với tổng số tiền lãi đã giảm là 3.822 tỷ đồng (đạt 95,56% so với cam kết) với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,24 triệu tỷ đồng cho 236.864 khách hàng.
BIDV đạt 3.382 tỷ đồng (đạt 93,94% so với cam kết) với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,31 triệu tỷ đồng cho 437.981 khách hàng.
VietinBank giảm được 2.019 tỷ đồng (đạt 112,17% so với cam kết) với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,99 triệu tỷ đồng cho 834.397 khách hàng.
Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, MBBank tiếp tục đứng đầu với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 612 tỷ đồng (đạt 40,94% so với cam kết), tiếp đến là ACB với 592 tỷ đồng (đạt 84,5% cam kết), VPBank với 478 tỷ đồng (đạt gần 80% cam kết). VIB vẫn là ngân hàng giảm ít nhất với 35 tỷ đồng nhưng cũng đã đạt 87% so với cam kết.
Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng thương mại đã cam kết giảm lãi suất cho vay trên tổng dư nợ hiện hữu áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Riêng 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022 ngày 29/12, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã đề nghị các tổ chức tín dụng phải rà soát, cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, ưu tiên chia cổ tức bằng cổ phiếu… để dành nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro và tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ý kiến bạn đọc