Tổng số tiền giảm lãi suất của các ngân hàng đã đạt gần 60% theo cam kết
Mặt bằng lãi suất sẽ còn giảm trong quý 4? | |
Gói hỗ trợ lãi suất 3-4%: Cần rút kinh nghiệm để tránh “vết xe đổ” | |
NHNN: Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1,55%/năm so với trước dịch |
Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo kết quả giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của 16 ngân hàng theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng.
Cụ thể, tính từ 15/7 đến 30/9/2021, 16 ngân hàng thương mại gồm: VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, Bưu Điện Liên Việt, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết cho gần 5,5 triệu tỷ đồng dư nợ, tăng 38% so với kết quả được công bố vào tháng trước.
Trước đó, các ngân hàng này đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.
Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội.
Theo kết quả mới nhất, Agribank tiếp tục là ngân hàng giảm lãi nhiều nhất với hơn 4.885 tỷ đồng tiền lãi cho 1,27 tỷ đồng dư nợ. Đứng thứ hai là BIDV với 1.901 tỷ đồng cho 1,08 tỷ đồng dư nợ.
Kết quả giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ của 4 ngân hàng có vốn nhà nước. Biểu đồ: H.Dịu |
Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, MB là ngân hàng giảm nhiều nhất với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 602 tỷ đồng, tổng giá trị dư nợ được giảm lãi suất là 109,1 nghìn tỷ đồng.
Đáng nói, so với kết quả được Ngân hàng Nhà nước công bố tháng trước, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh tiền lãi giảm và tổng dư nợ được giảm. Chẳng hạn, tại Vietcombank, tổng tiền lãi giảm đến 30/9 đạt 1,975 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với con số 943 tỷ đồng tính đến cuối tháng 8.
Khối ngân hàng tầm trung có mức tăng mạnh nhất, như ACB tăng mạnh từ 83 tỷ đồng lên 203 tỷ đồng tiền lãi giảm, Sacombank cũng tăng từ 37 tỷ lên 121 tỷ đồng tiền lãi, SeABank thậm chí còn tăng tới 10 lần từ 3 tỷ đồng lên 33 tỷ đồng tiền lãi giảm hỗ trợ khách hàng.
Kết quả giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ của các ngân hàng TMCP tư nhân. Biểu đồ: H.Dịu |
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ công bố công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm phí của từng ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng định kỳ hàng tháng đồng thời tăng cường giám sát bằng nhiều biện pháp trực tiếp, gián tiếp việc thực hiện cam kết của toàn hệ thống ngân hàng thương mại và từng chi nhánh ngân hàng thương mại tại các tỉnh, thành phố.
Ý kiến bạn đọc