Các ngân hàng đã giảm lãi bao nhiêu suất hỗ trợ doanh nghiệp?
Ngân hàng cũng cần được hỗ trợ để thêm nguồn lực cho doanh nghiệp | |
Lãi suất cho vay chưa giảm nhiều, khách hàng cá nhân bị "ngó lơ" | |
Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm |
Theo Ngân hàng Nhà nước 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.
Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tính từ 15/7 đến 31/8/2021, 16 ngân hàng thương mại gồm: Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, Bưu Điện Liên Việt, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/8/2021 cho khách hàng 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.
Kết quả giảm lãi suất của các ngân hàng trong thời gian. Biểu đồ: H.Dịu |
Theo đó, giảm nhiều nhất là Agribank, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 4.726 tỷ đồng cho tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,06 triệu tỷ đồng cho trên 3 triệu khách hàng.
BIDV cũng đã giảm lãi suất cho khách hàng hơn 1.032 tỷ đồng, với tổng giá trị dư nợ hơn 910 nghìn tỷ đồng. Vietcombank giảm 943 tỷ đồng cho tổng dư nợ hơn 725 nghìn tỷ đồng, VietinBank giảm 857 tỷ đồng cho tổng dư nợ hơn 700 nghìn tỷ đồng.
Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, MB là ngân hàng giảm nhiều nhất với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 550 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 93,6 nghìn tỷ đồng.
Tiếp sau đó, Techcombank giảm lãi suất cho khách hàng với tổng số tiền 155 tỷ đồng cho tổng giá trị dư nợ hơn 93.600 tỷ đồng, VPBank giảm 137 tỷ đồng cho tổng dư nợ 125,6 nghìn tỷ đồng.
Các ngân hàng thương mại tầm trung như SHB giảm 126 tỷ đồng, TPBank giả 83 tỷ đồng, MSB giảm 48 tỷ đồng, LienVietPostBank giảm 30 tỷ đồng...
Đứng cuối bảng là VIB giảm lãi suất với tổng số tiền 5 tỷ đồng cho tổng dư nợ hơn 8,4 nghìn tỷ đồng, SeABank là 3 tỷ đồng cho tổng dư nợ hơn 3,2 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ công bố công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm phí của từng ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng định kỳ hằng tháng đồng thời tăng cường giám sát bằng nhiều biện pháp trực tiếp, gián tiếp việc thực hiện cam kết của toàn hệ thống ngân hàng thương mại và từng chi nhánh ngân hàng thương mại tại các tỉnh, thành phố.
Ý kiến bạn đọc