Ứng phó cạnh tranh thương mại, doanh nghiệp buộc phải đổi mới công nghệ

(HQ Online) - Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2024 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố cách đây ít hôm, Việt Nam xếp thứ 44/133 quốc gia, tăng từ vị trí 46 vào năm 2023 – tiếp tục cải thiện vị trí kể từ năm 2013.
Hỗ trợ đổi mới, sáng tạo từ hợp tác giữa doanh nghiệp với nhà trường Nhiều chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo nhưng doanh nghiệp còn khó tiếp cận Bài toán đổi mới sáng tạo cho ngành cơ khí chế tạo

Đặc biệt, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại). Đây là lần đầu tiên chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt vị trí dẫn đầu thế giới.

Có được kết quả nêu trên, theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây đã từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Qua đó giúp nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ứng phó cạnh tranh thương mại, doanh nghiệp buộc phải đổi mới công nghệ
Trình độ và năng lực công nghệ là yếu tố then chốt tăng cạnh tranh. Ảnh: HD

Nhận thức được vấn đề trên, các doanh nghiệp cũng cho rằng, cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn trong thời gian gần đây buộc doanh nghiệp phải có các giải pháp cốt yếu về hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ để vượt qua những thách thức, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Vì thế, tại sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024" (Techconnect and Innovation Vietnam 2024) do Bộ KHCN phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức trong 2 ngày 30/9 và 1/10/2024, các doanh nghiệp đã mang đến những sản phẩm công nghệ mới để giúp ứng dụng vào sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực cũng như đời sống xã hội.

Chẳng hạn, Công ty TNHH FPT IS mang đến giải pháp ArchiveNex – Hệ thống lưu trữ điện tử, vừa không chỉ đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý và lưu trữ hỗ trợ, tài liệu mà còn tuân thủ theo định hướng lưu trữ điện tử của Luật Lưu trữ (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2024. Hiện hệ thống này đã triển khai cho 5 trung tâm lưu trữ với hơn 20 triệu trang tài liệu được số hoá.

Ứng phó cạnh tranh thương mại, doanh nghiệp buộc phải đổi mới công nghệ
Các doanh nghiệp đã mang đến những sản phẩm công nghệ mới. Ảnh: HD

Bên cạnh đó là bộ giải pháp về Trung tâm phục vụ hành chính công thế hệ mới cung cấp các công cụ, tiện ích để hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công một cách nhanh chóng, qua đó góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số…

Trong lĩnh vực sản xuất, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) mang đến các giải pháp tự động hoá toàn diện cho nhà máy sản xuất, như xe tự hành AGV, hệ thống kho bán tự động lưu trữ mật độ cao…

Ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Intech Group cho hay, ngay từ năm 2020, Công ty đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) để tập trung vào việc cải tiến kỹ thuật, công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này không chỉ giúp Công ty đi theo con đường đổi mới sáng tạo, mà còn giúp tăng niềm tin của khách hàng và tạo cơ hội tiếp cận với các tập đoàn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, y tế… cũng đã có những đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu về tự động hoá, phát triển xanh, gia tăng giá trị sản phẩm...

Ứng phó cạnh tranh thương mại, doanh nghiệp buộc phải đổi mới công nghệ
Doanh nghiệp cần thúc đẩy hợp tác, tìm kiếm đối tác. Ảnh: HD

Tuy nhiên, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao được hiệu quả, các doanh nghiệp cho biết vẫn còn không ít khó khăn, cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Về vấn đề này, ông Tạ Đình Lân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và thiết bị công nghiệp CIE1 cũng cho rằng, khi đưa ra các công nghệ mới, sản phẩm công nghệ cao mới, doanh nghiệp cần thời gian và chiến lược để thuyết phục khách hàng, đối tác. Vì thế, các chính sách hỗ trợ cần mang tính dài hơi hơn.

Bên cạnh đó, một vấn đề được nhiều doanh nghiệp nêu là vướng mắc về vốn để đầu tư cho sản phẩm mới cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng. Ông Hoàng Hữu Thắng chia sẻ, đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất thử nghiệm rất tốn kém, nên nhiều doanh nghiệp còn e ngại và do dự trong đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là khó khăn trong tiếp cận và hợp tác với các tập đoàn lớn, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vì thế, lãnh đạo Intech Group kiến nghị các cơ quan quản lý cần có chính sách và hỗ trợ cụ thể hơn để khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; chẳng hạn như ưu tiên phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, với chi phí mặt bằng và chính sách ưu đãi phù hợp; đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo dễ dàng tiếp cận và hợp tác với các tập đoàn lớn, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Còn theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần tìm cơ hội, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

VPIM 2024 sở hữu racekit và giải thưởng đặc biệt thế nào?

VPIM 2024 sở hữu racekit và giải thưởng đặc biệt thế nào?

(HQ Online) - Chỉ còn hơn một tuần nữa, các runner của giải chạy VPBank Hanoi International Marathon (VPIM) 2024 sẽ chính thức so tài. Ban Tổ chức vừa công bố racekit chính thức của giải chạy với tổng giá trị lên tới hơn 18 triệu đồng – được xem là bộ vật phẩm “thịnh vượng” nhất từ trước đến nay của VPIM.

Đọc nhiều