Tìm cách "đối mặt" với lừa đảo mạo danh tổ chức tài chính, ngân hàng

(HQ Online) - Những năm gần đây, ngân hàng đã đầu tư mạnh tay cho các giải pháp bảo vệ hệ thống, nên việc tấn công vào ngân hàng là rất khó khăn. Chính vì vậy, các hacker đã chuyển sang hướng khác dễ dàng hơn là tấn công người dùng.
Cảnh báo tình trạng mạo danh công chức Kho bạc nhà nước
Cảnh báo mạo danh Trung tâm thông tin tín dụng để lừa đảo
Công an cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo qua ngân hàng
Các ngân hàng hiện đang sử dụng nhiều biện pháp truyền thông, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo. Ảnh: Internet
Các ngân hàng hiện đang sử dụng nhiều biện pháp truyền thông, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo. Ảnh: Internet

Theo thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, năm 2021, đã có hơn 1.000 website lừa đảo trực tuyến, giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính bị ngăn chặn, xử lý.

Vì thế, phát biểu tại đối thoại chuyên đề: “Đối phó với tội phạm công nghệ mạo danh tổ chức tài chính, ngân hàng” được tổ chức vào ngày 1/8/2022, các chuyên gia về an ninh mạng cho rằng, với đặc thù của các giao dịch trực tuyến có thể thực hiện bất kỳ thời điểm nào, ở bất kỳ nơi đâu đã trở thành môi trường thuận lợi để những đối tượng có hành vi lừa đảo dễ dàng thực hiện hơn.

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều ngân hàng, ví điện tử, trung gian thanh toán, công ty thương mại điện tử đã phát cảnh báo về thủ đoạn mạo danh, chiếm đoạt tài sản qua hình thức trực tuyến.

Đơn cử như Techcombank đã từng phát đi thông tin có hành vi giả mạo ngân hàng cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng. VPBank cũng đã cảnh báo thủ đoạn giả danh email ngân hàng, gửi sao kê thẻ tín dụng, thúc ép khách hàng thanh toán dư nợ nhằm chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã lên tiếng cảnh báo khách hàng việc xuất hiện tình trạng lừa đảo mạo danh tin nhắn thương hiệu…

Một báo cáo mới đây của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin cho biết, trong quá trình theo dõi, tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, cơ quan này ghi nhận nhiều phản ánh liên quan tới việc giả mạo hệ thống các ngân hàng đề nghị hỗ trợ người dùng rút tiền mặt qua thẻ tín dụng với lãi suất 0% hoặc lãi suất thấp.

Đặc biệt, vào đầu tháng 6 vừa qua, Công ty an ninh mạng Group-IB (trụ sở Singapore) đã phát đi cảnh báo phát hiện một vụ tấn công lừa đảo mạo danh 27 tổ chức tài chính quen thuộc của Việt Nam để đánh cắp thông tin, tài khoản người dùng, thực hiện giao dịch bất hợp pháp. Group-IB cho biết tất cả 240 tên miền đã bị ngăn chặn nhưng các tên miền mới vẫn thường xuyên xuất hiện. Đơn vị này ước tính từ đầu năm 2021, đã có khoảng 7.800 người dùng có nguy cơ trở thành nạn nhân khi truy cập vào 44 trang web giả mạo trong số 240 trang web ghi nhận.

Từ phía ngân hàng, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp về an ninh thông tin, Khối Công nghệ của Techcombank cho biết, trong hai năm Covid-19 vừa qua, các dịch vụ giao dịch trực tuyến, thanh toán trên online, quét mã QR… đã dần phổ biến hơn với người dùng. Với đặc thù của các giao dịch trực tuyến có thể thực hiện bất kỳ thời điểm nào, ở bất kỳ nơi đâu đã trở thành môi trường thuận lợi để những đối tượng có hành vi lừa đảo dễ dàng thực hiện hơn.

Cũng về vấn đề này, theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), với số lượng lớn người sử dụng internet hiện nay tại Việt Nam, những vụ lừa đảo sẽ được tiến hành với quy mô lớn và thu lợi bất chính nhiều hơn. Hơn nữa, những năm gần đây ngân hàng đã đầu tư mạnh tay, trang bị các giải pháp bảo vệ hệ thống nên việc hacker tấn công vào ngân hàng là rất khó khăn. Chính vì vậy, các hacker sẽ tìm con đường khác dễ dàng hơn thông qua chuyển hướng sang tấn công người dùng.

“Vấn nạn tấn công, lừa đảo, mạo danh các tổ chức tài chính, ngân hàng sẽ không thể xử lý triệt để 100% mà chúng ta phải tìm cách đối mặt”, ông Ngô Tuấn Anh khẳng định.

Do vậy, ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS) nhận định, pháp luật hiện nay đã có Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin hay thậm chí sử dụng Luật Hình sự cho tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... nhưng do quy mô không quá lớn nên khi xảy ra sự cố, người dùng khá lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu, làm cái gì và gọi vào đâu để nhờ giúp đỡ.

Vì thế, vị này cho rằng, các doanh nghiệp, ngân hàng cần phải có hướng dẫn hoặc quy trình liên thông giữa các đơn vị để khi xảy ra sự cố có thể xử lý nhanh, thậm chí cần áp dụng công nghệ để tự động hóa xử lý. Ngoài ra, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dùng trong vấn đề phòng chống lừa đảo mạo danh tổ chức tài chính, ngân hàng cũng cần được các doanh nghiệp, cơ quan chức năng tăng cường, đẩy mạnh.

Còn theo ông Trương Đức Lượng, Chủ tịch Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC), trên các mạng xã hội, những trang web lừa đảo có thể chạy quảng cáo, chạy chiến dịch lan tỏa trên mạng và rất nhiều người dân bị lừa khi click vào những trang như thế. Nên ở góc độ công nghệ, các ngân hàng hay tổ chức tài chính cần có công nghệ để theo dõi có những trang nào đang giả mạo thương hiệu, phát hiện càng sớm càng tốt và giúp giảm thiểu thiệt hại của hành vi lừa đảo.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

(HQ Online) - Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

(HQ Online) - Việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước là một trong những yêu cầu cần thiết đặt ra nhằm hoàn thiện pháp luật về kiểm toán, qua đó giúp nâng cao hiệu lực kiểm tra, giám sát, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công, giảm thiểu thất thoát ngân sách nhà nước.

Đọc nhiều