Thủ tướng: Để dẫn dắt, mở đường, DNNN phải đi đầu về nâng cao năng lực cạnh tranh
Hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước phát huy hiệu quả nguồn vốn, tài sản được giao Gỡ khó cho những dự án chậm trễ của doanh nghiệp nhà nước “Ông lớn” doanh nghiệp nhà nước cấp tập chuyển đổi số |
Ngày 14/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với DNNN trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP |
Vị trí then chốt để thúc đẩy kinh tế phát triển
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, DNNN được xác định là giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Vì thế, theo Thủ tướng, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng tại hội nghị, đại diện các DNNN đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư để hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả và đột phá hơn nữa.
Cụ thể, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) kiến nghị cần đầu tư mạnh hơn nữa cho hạ tầng số. Đồng thời Chính phủ cần thường xuyên lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là vướng về quy định, chính sách để kịp thời phát hiện và tháo gỡ sự bất cập; cần có quy định bảo vệ người dám nghĩ dám làm ngay cả trong DNNN.
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án tái cơ cấu PVN đến năm 2025 và kế hoạch 5 năm của Tập đoàn; sớm sửa đổi nghị định đầu tư ra nước ngoài về dầu khí và đặc biệt có phân cấp cho các dự án thuộc khu vực thượng nguồn trong giai đoạn chuyển giao giữa Luật Dầu khí cũ và mới…
Thủ tướng trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP |
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, đi đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh
Sau khi lắng nghe kiến nghị từ các DNNN, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tinh thần là hài hòa lợi ích Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm cho doanh nghiệp.
Với tinh thần này, Thủ tướng nêu các quan điểm chỉ đạo điều hành để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN. Đó là DNNN cần đóng vai trò quan trọng trong dẫn dắt, tiên phong, mở đường, phát huy tối đa nguồn lực nắm giữ để tập trung cho đầu tư phát triển trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
DNNN phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, những ngành mới nổi. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện chủ sở hữu phải đồng hành, kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp.
"Các DNNN cần phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, bản sắc văn hóa, đạo đức kinh doanh, nâng cao tính tự lực tự cường, tự vươn lên, phát triển bằng nội lực, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các DNNN khai thác hiệu quả các FTA. Ảnh: VGP |
Cùng với đó, Thủ tướng nêu ra hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật gồm luật, nghị định, thông tư của các cấp để tháo gõ khó khăn, huy động nguồn lực, phát huy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Tái cơ cấu DNNN sát tình hình thực tế, không chỉ tập trung tái cơ cấu vốn, mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
Các DNNN được đề nghị phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, các chương trình, dự án lớn đang triển khai như hệ thống cao tốc, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số…
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, phê duyệt kế hoạch, chương trình, đặc biệt là kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trực thuộc. |
Thủ tướng cũng yêu cầu các DNNN phải cùng nhau, cùng các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, ngành hàng, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. Đồng thời khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và quan hệ chính trị, ngoại giao rất tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN...
Về phía các cơ quan nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, đặt mình vào địa vị doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn.
"Tinh thần là phải mạnh dạn hơn nữa để tạo ra đột phá mới, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không để trì trệ; bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng khẳng định.
Các cơ quan đại diện chủ sở hữu khác cần tích cực, kịp thời nắm bắt tình hình tốt hơn, nhất là những khó khăn, vướng mắc lớn, là điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có quan hệ cộng sinh, cần phát huy tinh thần linh hoạt, sáng tạo, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, nút thắt về tín dụng, nguồn vốn.
Ý kiến bạn đọc