Tạo điều kiện thúc đẩy giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam - Séc

(HQ Online) - Trong những năm qua, kim ngạch thương mại giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam luôn tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự nỗ lực quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và tác động từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Séc ủng hộ ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU
Việt Nam xuất siêu sang Séc và Romania
Cộng hòa Séc - thị trường tiềm năng cho hạt tiêu Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng 2 năm qua kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với CH Séc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Cộng hòa Séc đạt hơn 828 triệu USD, tăng 12,65% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Séc đạt hơn 668 triệu USD tăng 14,58%; nhập khẩu từ Séc vào Việt Nam đạt 160 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Cộng hòa Séc là giầy dép, hàng may mặc, thủy hải sản, máy công nghiệp, phụ tùng máy và thiết bị điện... Việt Nam nhập khẩu từ Séc máy móc thiết bị, sản phẩm cơ khí, hóa chất, dược phẩm, đồ thủy tinh pha lê…

Tuy nhiên, phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Séc do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp Cộng hòa Séc tổ chức vào ngày 21/2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận xét, các mặt hàng xuất khẩu từ Séc sang Việt Nam cũng như Việt Nam sang Séc còn rất khiêm tốn, đòi hỏi cả hai bên cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.

Diễn đàn kinh doanh Việt Nam-Séc năm nay cũng chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa một số doanh nghiệp Việt Nam với đối tác từ Cộng hòa Séc trong mảng đào tạo, huấn luyện bay. Ảnh: H.Dịu
Đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng Việt Nam - Séc chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Ảnh: H.Dịu

Về đầu tư, tính đến cuối tháng 5/2022, Cộng hòa Séc có 41 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 92,39 triệu USD, đứng thứ 49 trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Các dự án của Séc tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực: khai khoáng, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ, kinh doanh bất động sản với quy mô vừa và nhỏ.

Cũng nhận định quy mô còn khiêm tốn, nên ông Đỗ Thắng Hải kêu gọi các doanh nghiệp Cộng hòa Séc hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến thị trường Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho hay, Cộng hòa Séc đã luôn coi trọng mối quan hệ với Việt Nam, đưa Việt Nam - quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á, vào danh sách 12 nước thị trường chủ chốt, ưu tiên về ngoại thương như đã công bố trong Chiến lược xuất khẩu của Cộng hoà Séc trong những năm qua. Séc cũng là một trong những nước EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU và cũng đang hỗ trợ thúc đẩy để 15 nước EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định này.

Vì thế, theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam hiện nay cũng đang ngày càng hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Cộng hòa Séc nói riêng.

Tại diễn đàn, ông Jozef Síkela, Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc đã nhấn mạnh đến mối quan hệ lâu đời của Việt Nam và Séc, nhất là nhờ vào sự hiện diện của cộng đồng người Việt Nam – dân tộc chiếm số lượng đông thứ 3 tại Séc. Hơn nữa, quan hệ thương mại cũng đã tăng lên nhờ các quy định giao thương, xuất nhập khẩu đã được đơn giản hóa nhờ EVFTA, tạo điều kiện cho doanh nghiệp 2 nước tiếp cận thị trường của nhau nhờ cắt giảm thuế quan, loại bỏ nhiều hàng rào kỹ thuật…

Vì thế, với những tiềm năng phát triển từ Việt Nam, ông Jozef Síkela cho biết, các doanh nghiệp Séc mong muốn tiếp cận thị trường Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, khai khoáng, năng lượng và dịch vụ tài chính…

Đồng quan điểm, ông Jaroslav Hanak, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Cộng hòa Séc nêu rõ, các doanh nghiệp Séc không chỉ coi Việt Nam là một lãnh thổ xuất khẩu mà còn là một đối tác cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và đầu tư.

Do đó, đại diện lãnh đạo hai nước khẳng định cam kết sẵn sàng ủng hộ và tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ kinh doanh, thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp hai bên phù hợp với luật pháp và chủ trương mở cửa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và Séc.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

(HQ Online) - Hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, nhưng với xu thế về phát triển bền vững, các doanh nghiệp mong muốn KCN được đầu tư phát triển thành hệ sinh thái, cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường cũng như có sự liên kết giữa các doanh nghiệp.

Đọc tiếp

Đọc nhiều