Tăng bộ đệm thanh khoản, ngân hàng vẫn dồn dập tăng vốn

(HQ Online) - Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng liên tục đẩy mạnh tăng vốn bằng nhiều hình thức và đã nhận được cái “gật đầu” chính thức về tăng vốn điều lệ của cơ quan quản lý.
MSB sắp chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% để tăng vốn
Ngân hàng "ồ ạt" tăng vốn để đảm bảo tăng trưởng trong thời gian tới
Nhiều ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ
SHB tăng vốn điều lệ từ 19.260 tỷ đồng lên hơn 26.674 tỷ đồng.
SHB được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 26.674 tỷ đồng.

Mới đây nhất, vào ngày 20/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận cho SHB tăng vốn điều lệ từ 19.260 tỷ đồng lên hơn 26.674 tỷ đồng.

Trong đó, tăng thêm 2.022 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 10,5% từ nguồn lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ năm 2020; tăng thêm 5.392 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền 100:28, giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, ngày 16/9, VPBank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 19.758 tỷ đồng, lên gần 45.058 tỷ đồng, tăng 80% so với hiện tại.

Theo đó, VPBank sẽ phát hành 1,53 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 62,15% và hơn 440 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 17,85%. Nguồn vốn phát hành được lấy từ hơn 19.757 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Còn hồi đầu tháng 9, NHNN đã chấp thuận việc Kienlongbank tăng vốn điều lệ thêm 415,8 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Hiện vốn điều lệ của Kienlongbank ở mức 3.237 tỷ đồng. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng lên 3.653 tỷ đồng.

Cũng thời gian này, MSB đã được NHNN có văn bản chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng từ mức 11.750 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, nguồn vốn lấy từ lợi nhuận để lại hơn 4.775 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020 sau khi đã trích lập đủ các khoản, các quỹ theo quy định pháp luật.

Đặc biệt, ngày 20/9, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án đầu tư bổ sung hơn 7.657 vốn Nhà nước cho Vietcombank theo tờ trình của NHNN thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng thương mại cũng chủ động huy động vốn điều lệ qua kênh trái phiếu. Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong tháng 8/2021, nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về khối lượng phát hành với tổng giá trị 10.854 tỷ đồng, chiếm 41,6% tổng giá trị.Trong đó bao gồm 2.324 tỷ đồng trái phiếu phát hành tăng vốn cấp 2 của BIDV, VietinBank, VIB, MB và VietCapitalBank.

Các ngân hàng có khối lượng phát hành lớn gồm VPBank (2.630 tỷ đồng), OCB (2.000 tỷ đồng), SHB (1.400 tỷ đồng), đều là các trái phiếu kỳ hạn 2-4 năm, lãi suất cố định 3,5-4,2%/năm.

Vì thế, tính chung 8 tháng năm 2021, VBMA cho biết, các ngân hàng tiếp tục dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 116,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng giá trị phát hành trái phiếu.

Theo quy định, chậm nhất đến ngày 1/1/2023, các ngân hàng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Vì vậy, các ngân hàng phải tiếp tục rốt ráo tăng vốn để đáp ứng yêu cầu cũng như gia tăng năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng vẫn chưa dừng lại và sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022, bởi tăng vốn là tăng bộ đệm cho thanh khoản, từ đó giúp các ngân hàng ứng phó tốt hơn với nhiều rủi ro. Hơn nữa, hiện NHNN còn cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng dựa trên nền tảng hệ số CAR ở mức cao và việc thực hiện các cam kết về hỗ trợ khách hàng.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều