Ngân hàng "ồ ạt" tăng vốn để đảm bảo tăng trưởng trong thời gian tới

(HQ Online) - Theo dữ liệu của Công ty Chứng khoán SSI, năm 2021, khoảng 16 ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI lên kế hoạch tăng vốn điều lệ, vào khoảng 82.700 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ
3 ngân hàng “bơm” 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines
Mức đệm vốn của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn mỏng
Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ảnh: Internet
Nhiều áp lực khiến ngân hàng phải dồn dập tăng vốn. Ảnh: Internet

Trong đó, 61.800 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 75%) ước tính tăng qua chia tách cổ phiếu; 18.300 tỷ đồng (tỷ trọng 22%) từ phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu; và 2.600 tỷ đồng (tỷ trọng 3%) thông qua phát hành ESOP. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng không chia cổ tức nhằm giữ lại lợi nhuận cho tăng vốn chủ sở hữu...

Tính chung trên thị trường cho thấy, riêng tháng 6/2021 đã có hơn 1 tỷ cổ phiếu ngân hàng được phát hành theo hình thức chia cổ tức và cổ phiếu thưởng, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng bổ sung vốn điều lệ. Ước tính tháng 7 sẽ là hơn 2,2 tỷ cổ phiếu ngân hàng niêm yết mới trên thị trường, tương đương khoảng 22.000 tỷ đồng bổ sung vào vốn điều lệ các ngân hàng.

Tại tọa đàm trực tuyến mới đây về câu chuyện tăng vốn của ngành ngân hàng, các chuyên gia đều cho rằng, lý do để các ngân hàng đưa ra quyết định tăng mạnh vốn điều lệ trong năm nay là nhằm nâng cao năng lực, mở rộng đầu tư trong hoạt động ngân hàng. Ngân hàng nào có quy mô vốn, tài sản lớn sẽ có năng lực chống cự rủi ro tốt hơn trước các biến động thị trường, cũng như tìm kiếm được nhiều cơ hội cho tăng trưởng.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chính các ngân hàng có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ trong năm 2021 là để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và các chỉ tiêu trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, gần đây, nhiều ngân hàng công bố đã đạt chuẩn Basel II. Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng có hệ số CAR 9%, các ngân hàng có vốn nhà nước có thể có CAR thấp hơn, ở mức tối thiểu 8%. Trong khi ngân hàng muốn tăng đầu tư vào các tài sản có rủi ro như tăng dư nợ, danh mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp... đòi hỏi lượng vốn tự có phải tăng tương ứng, nếu không thì việc duy trì CAR ở mức tối thiểu sẽ không đạt yêu cầu.

Cũng theo lãnh đạo TPBank, để một một ngân hàng xếp hạng A theo quy định của NHNN, hệ số CAR phải duy trì trên 10% cho vốn cấp 1, trên 12% cho vốn cấp 2. Nhưng hiện một số ngân hàng đang tiến tới chuẩn Basel III, tỷ lệ CAR phải tăng thêm 2,5% so với trước.

Đồng quan điểm, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho biết thêm, việc tăng vốn chủ sở hữu của nhiều ngân hàng hiện không theo kịp mức độ tăng trưởng của tài sản rủi ro. Vì thế, tăng vốn là một trong các thách thức của ngành ngân hàng để đảm bảo cho tăng trưởng trong thời gian tới.

NHNN cho biết, đến nay phần lớn tổ chức tín dụng đã tuân thủ yêu cầu về vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II, trong đó nhiều ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II và một số ngân hàng có những tính toán để chuẩn bị cho việc tiệm cận với Basel III.

Ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Dịch vụ tư vấn tài chính - ngân hàng, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, triển khai Basel III là mục tiêu thách thức đối với các ngân hàng Việt Nam, nhưng đây là xu hướng chung phải hướng tới. Basel III sẽ làm thay đổi chiến lược kinh doanh của ngân hàng. Các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn vay ở những lĩnh vực có tính rủi ro cao như: bất động sản, chứng khoán... nhằm vừa đảm bảo quy định an toàn, vừa đảm bảo lợi nhuận biên tăng như kỳ vọng, trong khi vốn cũng cần tăng để đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn ở mức cao hơn.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Khai trương Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8

Khai trương Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8

(HQ Online) - Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chính thức khai trương Bệnh viện Đa khoa tại Quận 8 có địa chỉ 316C Phạm Hùng, phường 5, quận 8, TPHCM. Đây là bệnh viện thứ tư trong hệ thống, mang đến dịch vụ khám chữa bệnh chuyên sâu, hiện đại cho người dân khu vực phía Tây Nam TPHCM, miền Tây Nam Bộ và các tỉnh lân cận.
Triển khai ngân hàng xanh – Xu hướng của tương lai

Triển khai ngân hàng xanh – Xu hướng của tương lai

(HQ Online) - Chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm của các ngành sản xuất hay các tổ chức chính phủ mà cần có sự tham gia của tất cả các lĩnh vực. Chắc chắn rằng, ngành ngân hàng không thể đứng ngoài công cuộc chuyển đổi xanh vì một nền kinh tế xanh và cuộc sống xanh.

Đọc nhiều