Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập

Sau hơn 10 năm thực hiện (từ năm 2006 đến năm 2019), Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập

Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Theo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, trong giai đoạn 2012-2016, tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ đạt trung bình 15.164 tỷ đồng/năm. Năm 2015, Việt Nam chi hơn 18.496 tỷ đồng cho nghiên cứu và phát triển, trong đó từ ngân sách nhà nước dành cho tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ, trường đại học đạt 4.342 tỷ đồng, chiếm 71% tổng chi từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, thống kê về số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích qua các năm phần nào cho thấy, kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ rất khiêm tốn. Cụ thể, giai đoạn 2014-2018, số đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của các viện nghiên cứu, trường đại học chỉ đạt 1.225 đơn, trong đó chỉ có 335 đơn được cấp bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Trong số các văn bằng bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích được cấp cho các viện nghiên cứu, trường đại học trong giai đoạn 2010-2012, có tới 64,9% văn bằng không được duy trì hiệu lực. Chủ văn bằng chỉ nộp phí duy trì hiệu lực trong một vài năm sau khi được cấp, thậm chí có trường hợp chủ văn bằng không nộp phí duy trì từ năm đầu tiên. Việc này cho thấy sáng chế và giải pháp hữu ích đó không được sử dụng trên thực tế hoặc không được khai thác thương mại, chủ văn bằng không còn quan tâm và không có nhu cầu duy trì sự bảo hộ cho các quyền của mình khi phải cân nhắc giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu được.

Thực thi luật chưa thực sự hiệu quả

Việc mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp thực thi hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã tạo ra gánh nặng không cần thiết cho ngân sách nhà nước và không phù hợp với bản chất dân sự của quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, theo quy định, việc tạm dừng làm thủ tục hải quan được áp dụng đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, Hiệp định TRIPS của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chỉ yêu cầu các thành viên áp dụng biện pháp này đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và sao chép lậu quyền tác giả; thậm chí Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng chỉ yêu cầu mở rộng áp dụng biện pháp này với hàng hóa mang nhãn hiệu tương tự gây nhầm lẫn và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) cũng chỉ yêu cầu áp dụng thêm biện pháp này đối với hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý.

Quy định áp dụng biện pháp này đối với các đối tượng như sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, bí mật thương mại... là ít khả thi, do việc xác định các yếu tố xâm phạm quyền đối với những đối tượng này là tương đối khó và mất nhiều thời gian, có thể ảnh hưởng đến quá trình thông quan hàng hóa.

Bên cạnh đó, các quy định về thực thi quyền trong môi trường số hay xử lý tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ chưa được cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi trong xử lý.

Nhiều điều luật gây ra những bất cập, từ quy định về chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đến thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Cụ thể, theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì “người biểu diễn có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn”, trong khi Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ quy định “… trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn”. Quy định hiện hành đã hạn chế quyền của người biểu diễn, đồng thời gây nhầm lẫn giữa quyền của người biểu diễn và bên đầu tư.

Một số quy định liên quan đến các thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp còn phức tạp và chưa hoàn toàn hợp lý. Đây là một trong những nguyên nhân làm kéo dài thời gian thẩm định đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân. Quy định về thời hạn tiếp nhận và xử lý ý kiến của người thứ ba quá dài và không tách bạch giữa việc cung cấp thông tin về đơn và phản đối đơn; yêu cầu đối với hồ sơ đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp phức tạp, khó thực hiện đối với người nộp đơn nhưng không thực sự cần thiết trong thực tiễn thẩm định. Phạm vi đơn đăng ký sáng chế phải chịu kiểm soát an ninh quá rộng. Những đặc thù của lĩnh vực sở hữu công nghiệp chưa được quy định khi áp dụng các quy định của Luật Khiếu nại để giải quyết khiếu nại trong thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp v.v..,

Trong lĩnh vực giống cây trồng, Luật Sở hữu trí tuệ đang cho phép nông dân giữ giống được bảo hộ để giao trồng trên diện tích canh tác cho các vụ sau. Quy định như vậy là quá rộng. Hiện nay, quy mô sản xuất của người nông dân ở Việt Nam đã lớn hơn nhiều so với thời điểm 15 năm trước, do vậy, nếu tiếp tục cho phép mà không có quy định mức độ hợp lý thì sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi ích hợp pháp của tác giả.

Thêm cơ hội cho doanh nghiệp và người dân

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết, mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung là nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn qua hơn 10 năm thi hành, xử lý các bất cập, vướng mắc của hệ thống sở hữu trí tuệ hiện hành; thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam; bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ.

Hơn nữa, vừa qua, hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam đã diễn ra sâu rộng với việc ký kết hàng loạt điều ước quốc tế có nội dung về sở hữu trí tuệ, trong đó có Hiệp định CPTPP và EVFTA. Các điều ước này này đặt ra hàng loạt tiêu chuẩn cao về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn.

Việc sửa đổi Luật lần này sẽ tập trung vào các nhóm chính sách lớn. Mỗi nhóm sẽ bao gồm các chính sách hoặc bổ sung, cụ thể hóa quy định hiện hành, hoặc đề xuất giải pháp, chính sách mới.

Ban soạn thảo tập trung sửa đổi quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, bảo mật dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm, kiểm soát chủ động tại biên giới, bảo đảm thông tin và thời gian cho chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế dược phẩm thực thi quyền trước khi sản phẩm được phép đưa ra thị trường, khả năng chấm dứt hiệu lực của đăng ký nhãn hiệu trong trường hợp việc sử dụng nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn cho công chúng. Các vấn đề khác cũng được sửa đổi, bổ sung liên quan đến đánh giá tính mới và tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp là bộ phận của sản phẩm hoàn chỉnh, cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế do chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành, ghi nhận các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý trong văn bằng bảo hộ...

Cục trưởng Đinh Hữu Phí nhấn mạnh, một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung sẽ giúp tổ chức, doanh nghiệp có cơ sở pháp lý để thảo thuận, ký kết với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan khi khai thác, sử dụng tác phẩm. Tổ chức, cá nhân được giao quyền đăng ký có động lực và cơ hội cho việc quản lý, khai thác có hiệu quả các sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước. Người dân thu được lợi ích từ việc tiếp cận và thụ hưởng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có giá trị nghệ thuật, tư tưởng cao, cũng như có thêm cơ hội thụ hưởng thành quả công nghệ là kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Nhà nước đầu tư…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Viettel liên tiếp giữ vững vị trí thương hiệu giá trị nhất Việt Nam

Viettel liên tiếp giữ vững vị trí thương hiệu giá trị nhất Việt Nam

(HQ Online) - Trong Bảng xếp hạng 100 Thương hiệu Giá trị nhất Việt Nam 2024 vừa được công bố bởi Brand Finance - công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) duy trì vị thế 9 năm liên tiếp là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, đồng thời là doanh nghiệp được công chúng đánh giá cao nhất về phát triển bền vững.
SHB là ngân hàng Micro SME tốt nhất Việt Nam

SHB là ngân hàng Micro SME tốt nhất Việt Nam

(HQ Online) - Với danh mục sản phẩm đa dạng, thủ tục tinh gọn, dịch vụ chất lượng cao dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, SHB vừa được tạp chí quốc tế Alpha Southest Asia bình chọn là “Ngân hàng Micro SME tốt nhất tại Việt Nam”.
GELEX và các đơn vị thành viên đạt giải thưởng Thương hiệu quốc gia năm 2022

GELEX và các đơn vị thành viên đạt giải thưởng Thương hiệu quốc gia năm 2022

(HQ Online) - Ngày 2/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ lễ công bố “Thương hiệu Quốc gia 2022”, các dòng sản phẩm mang thương hiệu GELEX và các đơn vị thành viên như: Cadivi, Thibidi và Viglacera đã vinh dự được nhận danh hiệu “Thương hiệu Quốc gia” sau nhiều vòng xét chọn, đánh giá khắt khe.
Viettel Post - Doanh nghiệp chuyển phát duy nhất có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia 5 năm liên tiếp

Viettel Post - Doanh nghiệp chuyển phát duy nhất có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia 5 năm liên tiếp

(HQ Online) - Dịch vụ Chuyển phát trong nước và quốc tế của Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) vừa được vinh danh trở thành Sản phẩm Thương hiệu quốc gia năm 2022. Viettel Post tự hào trở thành doanh nghiệp chuyển phát duy nhất có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia 5 năm liên tiếp.

Đọc nhiều