Nhu cầu rút tiền mặt giảm, tỷ trọng giao dịch ATM chỉ còn chiếm 3,6%
Các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn đang dần thay thế nhu cầu rút tiền mặt. |
Năm 2023, với việc tiếp tục phát triển hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, cung cấp các dịch vụ chuyển mạch tài chính trong nước và quốc tế thông qua thẻ, tài khoản, mã QR, ví điện tử, mobile money,… các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống NAPAS đã tăng hơn 52% về lượng và tổng giá trị giao dịch tăng hơn 12% so với năm 2022.
Đặc biệt, giao dịch trên ATM tiếp tục giảm 16,9% về số lượng giao dịch và 19,5% về giá trị giao dịch. Đến nay, tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 3,6% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 mới đây, ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT NAPAS cho biết, để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người dùng, NAPAS đã triển khai các giải pháp tăng cường năng lực xử lý của hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn kể cả trong các thời gian cao điểm, cam kết chất lượng dịch vụ đều đạt 99,98%.
Đồng thời, NAPAS đã triển khai mở rộng dịch vụ thanh toán dịch vụ công với 71 bộ, ngành, địa phương và 44 tổ chức phát hành là các ngân hàng, công ty tài chính; phối hợp với Bộ Công an hoàn thành triển khai dịch vụ chi trả an sinh xã hội qua số căn cước công dân, VNeID với 3 tổ chức thành viên…; tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, đặc biệt tập trung vào các giao dịch thanh toán nhỏ lẻ (dưới 1 triệu đồng), thanh toán dịch vụ công. Tổng phí đã giảm trong năm 2023 ước đạt 757 tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ giao dịch miễn phí qua hệ thống chuyển mạch chiếm gần 65% tổng giao dịch xử lý của hệ thống NAPAS.
Năm 2024, NAPAS phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh, các nhiệm vụ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và lộ trình triển khai các giải pháp tại Chiến lược phát triển Công ty đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ý kiến bạn đọc