Ngân hàng “rộng tay” chia cổ tức
MSB dự kiến chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ không dưới 15%. Ảnh: MSB |
Tỷ lệ lên tới 40%
Hiện nay, một số ngân hàng đã công bố tài liệu cụ thể về ĐHĐCĐ với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, về vấn đề chia cổ tức, năm 2020 mặc dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng một số ngân hàng vẫn đưa ra mức trả cổ tức tỷ lệ cao.
Theo SSI Research, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021, trung bình sẽ tăng 21% nhờ mở rộng tín dụng, chí phí vốn giảm khi lãi suất huy động ở mức thấp. Do đó, cổ phiếu các ngân hàng vẫn đầy sức hấp dẫn nhà đầu tư và cổ đông, để các ngân hàng có đủ tiềm lực và động lực để chi trả cổ tức cho những năm tiếp theo. |
Cuối tuần qua (12/3), BIDV đã mở màn mùa ĐHĐCĐ năm nay và đã thông qua toàn bộ tờ trình tại cuộc họp, nhất là phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ đồng bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ/chào bán ra công chúng. Đối với cổ tức, cổ đông BIDV nhất trí với phương án phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý 3, quý 4/2021. Trước đó, đầu năm 2021, ngân hàng này cũng đã dùng hơn 3.200 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8%. Số tiền đã được thanh toán tại ngày 3/2/2021.
Ngoài ra, theo tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ đã được công bố, không ít ngân hàng đưa ra tỷ lệ chia cổ tức hơn 10%, thậm chí lên tới 40%. VIB dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 24/3. Năm nay, VIB tiếp tục không chia cổ tức tiền mặt, thay vào đó là chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ rất cao, lên tới 40% từ nguồn vốn chủ sở hữu và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu. Năm 2020, ngân hàng này cũng đã chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ gần 30%.
Tương tự, theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên vừa được công bố, MSB sẽ trình cổ đông về việc tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức cho các cổ đông. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành 352,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tương đương với tỷ lệ tối đa là 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành. Không những thế, MSB còn đặt mục tiêu tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 (trả vào năm 2022) không dưới 15%.
Lãnh đạo OCB cũng cho biết, ngân hàng dự kiến mức tăng vốn điều lệ trong năm nay khoảng 25%, chia cổ tức ở mức khoảng 25%. ACB cũng dự kiến phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, tương đương với tỷ lệ thực hiện là 25% (tỷ lệ này có thể điều chỉnh phụ thuộc vào sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước). SHB vừa công bố thông tin dự kiến sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5% bằng cổ phiếu, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020.
Đặc biệt, 2 ngân hàng lớn là Vietcombank và VietinBank cũng có thể thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay sau khi Nghị định 121/2020/NĐ-CP được sửa đổi, cho phép các ngân hàng cổ phần nhà nước được chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vì thế, HĐQT VietinBank cũng vừa ban hành nghị quyết về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, dự kiến tổ chức vào ngày 16/4 với các nội dung về hoạt động năm 2020 và định hướng năm 2021, phương án phân phối lợi nhuận năm 2020… Mới đây, VietinBank thông báo đã thanh toán cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt (5%) cho cổ đông, tương đương với quy mô hơn 1.800 tỷ đồng. Còn phương án phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 28,7% sẽ hoàn tất muộn nhất vào quý 1/2021. Vietcombank cũng đã chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8% trong tháng 1/2021. ĐHĐCĐ năm nay, ngân hàng này sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ năm 2021-2022, nên nhiều khả năng Vietcombank sẽ có phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những ngân hàng đã gần 10 năm không chia cổ tức cho cổ đông, điển hình là Sacombank, Techcombank… khiến không ít cổ đông bức xúc khi ngân hàng năm nào cũng báo lãi nghìn tỷ mà không chia cổ tức.
Tác động mạnh lên giá cổ phiếu
Chia cổ tức luôn là phương án được các ngân hàng ưu tiên trong nhiều năm trở lại đây. Dù vậy, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại khi cộng đồng doanh nghiệp luôn “than trời” vì khó tiếp cận tín dụng, còn các ngân hàng vẫn có lợi nhuận nghìn tỷ, nghĩa là sự sẻ chia khó khăn vẫn chưa đúng như mong đợi. Tuy nhiên, đây rõ ràng là câu chuyện về bài toán kinh doanh. Bởi với các ngân hàng, chia cổ tức cho cổ đông là cách thức giúp các ngân hàng bổ sung vốn điều lệ, phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Năm nay, các ngân hàng đều đưa ra phương án tăng thêm vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng, để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động.
Hơn nữa, việc chi trả cổ tức còn giúp duy trì, thúc đẩy giá cổ phiếu ngân hàng ở mức cao, tăng trưởng hấp dẫn hơn. Thực tế đã minh chứng là các thông tin liên quan đến cổ tức ngay từ đầu năm đều có sức ảnh hưởng nhất định đến thị giá cổ phiếu ngân hàng. Chẳng hạn, trong khoảng 3 tháng qua, cổ phiếu SHB đã diễn biến rất tích cực, hiện đang tích lũy quanh ngưỡng 18.000 đồng/cổ phiếu – mức cao nhất hơn 10 năm qua. Cổ phiếu VIB cũng đã tăng rất mạnh lên trên 44.000 đồng/cổ phiếu, so với mức trên 33.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối năm 2020…
Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, các ngân hàng có xu hướng trả cổ tức bằng cổ phiếu. Nguyên nhân là bởi các ngân hàng đang tiếp tục thực hiện đề nghị của Ngân hàng Nhà nước về việc không chia cổ tức bằng tiền mặt, nhằm tiết giảm chi phí, dành nguồn tiền để cắt giảm lãi suất đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ý kiến bạn đọc