Ngân hàng đã tăng mạnh vốn điều lệ, doanh nghiệp vẫn còn khó tiếp cận tín dụng

(HQ Online) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền về việc tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Nắn dòng vốn cho nền kinh tế
Chuyển đổi số ngân hàng góp phần kiểm soát minh bạch dòng tiền
Hàng loạt ngân hàng nâng lãi suất thu hút tiền gửi
Nợ xấu nội bảng của hệ thống là 1,7%. Ảnh: ST
Nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 7/2022 là 1,7%. Ảnh: ST

Đang trình phương án tăng vốn cho "Big 4"

Trong báo cáo vừa gửi tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội, NHNN cho hay, thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính.

Theo đó, tính đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của nhóm “Big 4” là: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV đạt 180,3 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.060,3 nghìn tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5.618,2 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 5.151,4 nghìn tỷ đồng.

Agribank đã được cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ. VietinBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỷ đồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án. Vietcombank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỷ đồng. BIDV đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỷ đồng.

Do đó, hiện NHNN đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đối với việc tăng vốn điều lệ của BIDV, Vietcombank, VietinBank, NHNN cho biết đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này.

Báo cáo của NHNN nhận định, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước tăng chậm hơn rất nhiều so với khối ngân hàng thương mại cổ phần, ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt thị trường, vai trò chủ lực, chủ đạo của toàn hệ thống.

Về nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, theo NHNN, các ngân hàng nhóm này về cơ bản đều bám sát phương án được duyệt, tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.

Năm 2022, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ). Nhờ đó, đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 416,9 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.488,2 nghìn tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5.513,4 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 4.686,6 nghìn tỷ đồng.

Đối với các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng mua bắt buộc, NHNN đã và đang chỉ đạo các ngân hàng này khẩn trương hoàn thiện phương án cơ cấu lại, đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn

Liên quan đến chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng, báo cáo của NHNN cho biết, từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2022, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 1.449,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu; riêng 7 tháng đầu năm 2022 xử lý được khoảng 88,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Đến cuối tháng 7/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn là 1,7%; tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 5,41% (cuối năm 2021 là 6,3%).

Trong đó, tổ chức tín dụng tự xử lý ở mức cao (chiếm 82,6% trong tổng nợ xấu được xử lý). Việc tự xử lý nợ xấu chủ yếu thực hiện thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro và khách hàng trả nợ. ​Riêng xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/7/2022, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 399,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Ngoài ra, đến cuối tháng 6/2022, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 25,08%. NHNN cho biết, các tổ chức tín dụng về cơ bản đều đáp ứng quy định này, trừ một số tổ chức tín dụng yếu kém, được kiểm soát đặc biệt.

Theo báo cáo của NHNN, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng mặc dù được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng.

Nguyên nhân do doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 kéo dài khiến kết quả kinh doanh sụt giảm, số lượng doanh nghiệp bị dừng hoạt động lớn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cho hệ thống; phương án kinh doanh mới để khôi phục sản xuất kinh doanh phụ thuộc nhiều yếu tố của thị trường, chính sách phát triển thị trường của các ngành nhưng chưa bền vững.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng càng khó khăn hơn do các nguyên nhân nội tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa như: tài sản đảm bảo có giá trị thấp, tính minh bạch của hoạt động kinh doanh hạn chế, trình độ quản lý kém…; các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều