Nắm giữ khối tài sản 3,7 triệu tỷ đồng, doanh nghiệp nhà nước phải làm việc lớn, việc mới
Quang cảnh tọa đàm. |
Tại tọa đàm "Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới" do Báo Đầu tư tổ chức vào ngày 26/9/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, dù doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có vai trò nòng cốt, quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là hoạt động đầu tư trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế. Các doanh nghiệp nhà nước đang chậm chuyển mình trong thời đại, bối cảnh mới; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét.
Thứ trưởng đánh giá, doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả hoạt động tốt nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, đặc biệt là tổng khối tài sản lên tới hơn 3,7 triệu tỷ đồng của đất nước.
Cụ thể, hoạt động đầu tư chưa được như kỳ vọng. Việc đầu tư nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế như công nghệ lõi, công nghệ số. Khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế; các doanh nghiệp nhà nước chưa có sản phẩm xuất khẩu chủ lực và tạo ra giá trị gia tăng cao trong khi xuất khẩu là tiêu chí quan trọng để đánh giá chính xác nhất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.
Cũng về vấn đề này, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, khó khăn, vướng mắc trong quản lý vốn nhà nước, trong mô hình Ủy ban cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty còn nhiều thách thức, đang ảnh hưởng đến tiến độ kế hoạch sản xuất, đầu tư, kinh doanh, trong đó nhiều dự án trọng điểm, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế.
Nhìn thẳng vào những hạn chế, ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ tổng hợp Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lý giải, cùng với những tác động từ kinh tế bên ngoài, các doanh nghiệp nhà nước còn khó khăn, chậm trễ trong triển khai các hoạt động đầu tư do các quy định pháp luật chưa đồng bộ; chưa đẩy mạnh phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn dẫn đến chậm tiến độ trong thực hiện dự án. Năng lực nhân sự về đầu tư các dự án lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực mới, công nghệ mới còn thiếu và yếu.
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới công nghệ, phát triển các ngành nghề, sản phẩm mới, phù hợp với xu thế phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; chưa nắm bắt được thời cơ và thu hút nguồn lực của thị trường…
Từ những vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề nghị, doanh nghiệp nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác. Các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh hay công nghiệp bán dẫn… là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô lớn.
Phía Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả đối với doanh nghiệp trong việc thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển; bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp... Đồng thời sẽ tăng cường, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Giải pháp căn bản, lâu dài được Ủy ban nêu ra là sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi quy định của Luật số 69/2014/QH13 làm cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phân công, phân cấp cho hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu; tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp và Ủy ban.
Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, so với năm 2018 (bắt đầu chuyển về Ủy ban), tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1,055 triệu tỷ đồng lên 1,54 triệu tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2,36 triệu tỷ đồng lên 2,491 triệu tỷ đồng (chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước). Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả năm 2023, tổng doanh thu của toàn khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% chi so với kế hoạch đề ra. Tổng lãi phát sinh trước thuế của khu vực doanh nghiệp nhà nước năm 2023 ước đạt hơn 117,3 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp NSNN của doanh nghiệp nhà nước cả năm 2023 ước đạt gần 129.000 tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch. Ước tính năm 2023 các doanh nghiệp phát sinh lỗ khoảng 41.666 tỷ đồng. Sau 5 năm chuyển về Ủy ban quản lý, 19 tập đoàn, tổng công ty đã phê duyệt/triển khai thực hiện/hoàn thành đầu tư 185 dự án nhóm A, 455 dự án nhóm B. Trong giai đoạn 2018-2023, Ủy ban đã chỉ đạo, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị đầu tư ước đạt 769.969 tỷ đồng. Đến nay, Ủy ban đã báo cáo, đề xuất và được cấp có thẩm quyền đồng ý phương án xử lý đối với 8/12 dự án, giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện. Còn lại 4 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, Ủy ban đã trình Thủ tướng 3 phương án xử lý dự án gồm: Dự án Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất - DQS đã trình ngày 28/8/2023; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên - Tisco 2 và Dự án khai thác tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy Gang thép Lào Cai và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung - VTM đã trình ngày 15/9/2023. |
Ý kiến bạn đọc