Kiến nghị không thực hiện cổ phần hoá VNR và các công ty thành viên từ 2021-2025

(HQ Online) - Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đến năm 2025 đang được trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị không thực hiện cổ phần hoá Công ty mẹ và các công ty thành viên trong giai đoạn 2021-2025.
Phương án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Nghiên cứu, sửa đổi đồng bộ các cơ chế chính sách đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Thoái vốn tại 11 doanh nghiệp, thu về hơn 225 tỷ đồng sau 7 tháng

Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có Tờ trình số 1648/TTr-UBQLV trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đến năm 2025.

Theo đó, ngoài các ngành nghề kinh doanh chính đã được xác định tại Nghị định số 11/2018/NĐ-CP ngày 16/1/2018 về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNR, cơ quan chủ sở hữu phần vốn đề nghị Chính phủ cho phép Tổng công ty được bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh như: Cho thuê, điều hành, quản lý nhà và đất không để ở; dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch; kinh doanh, cung cấp dịch vụ hạ tầng viễn thông.

Tờ trình của Ủy ban còn nêu, tùy từng thời điểm và tình hình kinh doanh, VNR có thể bổ sung ngành, nghề kinh doanh khác mà pháp luật không cấm sau khi được đại diện chủ sở hữu chấp thuận.

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet

Về phương án cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại VNR đến năm 2025, tờ trình kiến nghị đến năm 2025, VNR không tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ và các công ty thành viên.

Về phương án cơ cấu lại, thoái vốn thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Chính phủ thực hiện hợp nhất Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành 1 Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt; giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xe lửa Dĩ An là 86,85% và Công ty Cổ phần Xe lửa Gia Lâm là 77,37%.

VNR sẽ tiếp tục giữ nguyên mô hình tổ chức và duy trì tỷ lệ phần vốn góp mà Tổng công ty nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối trên 51% vốn điều lệ đối với 15 Công ty cổ phần đường sắt và 5 Công ty cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt.

VNR cũng không thoái vốn và giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Đá Đồng Mỏ là 51%, Công ty Cổ phần Đá Mỹ Trang là 44,44% và Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt là 18,45%; không thực hiện thoái vốn đối với các Công ty liên kết: Công ty TNHH hai thành viên Khách sạn thương mại Sài Gòn và Công ty Cổ phần Mặt trời - Đường sắt Việt Nam.

Tờ trình cũng kiến nghị cho phép VNR thoái hết vốn nhà nước nắm giữ tại 13 Công ty cổ phần theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 21/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012-2015.

Cụ thể gồm các Công ty Cổ phần: Dịch vụ đường sắt khu vực 1; Hải Vân Nam; Tư vấn đầu tư và xây dựng công trình 1; Viễn thông - tín hiệu đường sắt; Đầu tư kinh doanh Thống Nhất; Xây dựng công trình Đà Nẵng; Tư vấn đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải; Công trình 6; Đầu tư và xây dựng công trình 3; Tư vấn đầu tư và xây dựng Đường sắt; Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Đường sắt; Đầu tư và xây dựng giao thông vận tải, In đường sắt Sài Gòn.

Ngoài ra, VNR cũng sẽ giữ nguyên mô hình tổ chức của 12 chi nhánh khai thác đường sắt như hiện nay (Hà Nội, Lào Cai, Hà Lào, Hà Lạng, Hà Thái Hải, Hà Thanh, Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Sài Gòn và chi nhánh ga Đồng Đăng); thành lập mới Trung tâm Khoa học công nghệ và dịch vụ.

Sau khi sắp xếp, tổ chức lại, cơ cấu, mô hình của VNR sẽ bao gồm: Công ty mẹ - VNR là Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; các đơn vị hạch toán phụ thuộc; các đơn vị sự nghiệp; 15 công ty con, 5 công ty cổ phần thông tin tín hiệu; 2 công ty liên kết.

Nêu ý kiến về đề án hợp nhất 2 công ty cổ phần, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị, sau khi hợp nhất đi vào hoạt động, VNR cần nghiên cứu định hướng giảm tỷ lệ vốn chi phối tại công ty này; đồng thời, chuyên môn hóa vận tải hàng hóa, vận tải hành khách.

Thống nhất với nội dung thành lập mới Trung tâm Khoa học công nghệ và dịch vụ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu VNR cần xây dựng lộ trình phù hợp về tuyển dụng nhân sự, hình thành bộ máy, xây dựng chức năng, nhiệm vụ không chồng chéo với các ban chức năng hiện nay, không đi ngược với chủ trương tinh giản biên chế...

Tại văn bản báo cáo tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 của VNR được Bộ Tài chính tổng hợp và gửi các cơ quan liên quan, VNR đạt tổng doanh thu hợp nhất là 8.166 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021.

Theo Bộ Tài chính, dù hoạt động kinh doanh đã dần phục hồi sai dịch Covid-19 nhưng kết quả của Tổng công ty vẫn bị lỗ 90 tỷ đồng (giảm 428 tỷ đồng so với năm 2021). Do đó, Bộ Tài chính đền nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường công tác giám sát tài chính, hiệu quả hoạt động đối với VNR; xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền các đề án, chiến lược liên quan để phát triển VNR…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều