Hợp tác doanh nghiệp với nhà trường để phát triển nhân lực công nghiệp hỗ trợ
Tại báo cáo Điểm lại – tháng 8/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) với chủ đề: Giáo dục để tăng trưởng, cơ quan này nhận định, để đổi mới mô hình kinh tế, Việt Nam cần nâng cao năng suất và củng cố nguồn nhân lực. Để trở thành nền kinh tế tri thức, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực giáo dục sau phổ thông.
Theo WB, trong lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay, mới chỉ có 11% có bằng cấp sau phổ thông. Vì thế, khi chuyển từ nền kinh tế dựa vào kỹ năng thấp và việc làm lương thấp trong các lĩnh vực chế tạo, chế biến và dịch vụ sang mô hình tăng trưởng nhờ vào động lực đổi mới sáng tạo nhiều hơn, dựa trên các ngành công nghiệp và dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao hơn, lực lượng lao động của Việt Nam cần có kỹ năng cao hơn và phù hợp hơn. Việt Nam cần cải cách hệ thống giáo dục nhằm cải thiện về chất lượng và khả năng tiếp cận, để có thể cung cấp các kỹ năng cần thiết cho người dân.
Nguồn: Theo báo cáo Điểm lại - tháng 8/2022 của WB. |
Do đó, WB khuyến nghị, các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp cần tham vấn nhau thường xuyên để các trường có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu kỹ năng thay đổi nhanh chóng, lồng ghép nội dung đào tạo khởi nghiệp vào các chương trình giáo dục chính quy cũng là cách để làm cho các chương trình đó gần gũi hơn với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, qua đó nâng cao năng lực để nuôi dưỡng thế hệ khởi nghiệp trẻ.
Vì thế, hiện đã có một số cơ sở giáo dục, trường dạy nghề liên kết với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp vừa giúp tạo đầu ra công ăn việc làm cho sinh viên, vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp.
Đơn cử, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP.Hà Nội (HANSIBA), để từ đó đưa ra nhiều hoạt động kết nối cung cầu nguồn nhân lực, đào tạo đặt hàng, hỗ trợ, định hướng lập nghiệp, khởi nghiệp.
Ngoài ra, HANSIBA còn phối hợp với nhiều doanh nghiệp thành viên để đặt đơn đặt hàng đào tạo kỹ sư thực hành tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và Học viện hướng nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSI) - được Tập đoàn N&G xây dựng và vận hành tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP).
Các hoạt động này đã giúp nhiều sinh viện được tiếp nhận làm việc ngay sau khi ra trường. Tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, 100% sinh viên cao đẳng khóa 10 và các khóa trước đây đều được nhà trường giới thiệu việc làm; đa số sinh viên có thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng và nhiều sinh viên có mức thu nhập cao lên tới 15 triệu đồng/tháng trở lên, được làm việc tại nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Samsung, PMTT, Hanwha, Honda, VNPT, N&G Group cùng các doanh nghiệp thành viên HANSIBA.
Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch HANSIBA, Giám đốc Học viện hướng nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSI) chia sẻ, những sự hợp tác này sẽ giúp các doanh nghiệp có được nguồn nhân lực chất lượng cao, để cùng với việc phát triển công nghệ, cơ sở hạ tầng thì các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vì thế, vị này kỳ vọng các nhà trường sẽ quan tâm hơn nữa đến các chương trình hỗ trợ việc làm sau khi tốt nghiệp, bằng cách hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp.
Ý kiến bạn đọc