Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số để tiếp cận khách hàng xuyên biên giới

(HQ Online) - Bối cảnh kinh tế khó khăn đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hiệu quả từ chuyển đổi số để tăng tốc, chủ động ứng phó, “biến nguy thành cơ”.
Yêu cầu của doanh nghiệp trong hội nhập là động lực để ngành Tài chính chuyển đổi số
Doanh nghiệp tìm lợi thế xuất khẩu từ chuyển đổi số
“Thời điểm vàng” để doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện

Ngày 9/11, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Meta tổ chức diễn đàn: “Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số”.

diễn đàn: “Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số”. Ảnh: H.Dịu
Diễn đàn: “Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số”. Ảnh: H.Dịu

Tại diễn đàn, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển có cơ hội để tăng trưởng nhanh hơn, vươn lên, thay đổi thứ hạng phát triển của quốc gia. Vì thế, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, đồng thời các bộ, ngành, địa phương cũng đã và đang xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động của mình với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bên cạnh thuận lợi về chính sách, theo ông Bùi Trung Nghĩa, với thị trường nội địa gần 100 triệu người, dân số trẻ,… Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN.

Theo số liệu từ VCCI, kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước. Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh thông qua việc áp dụng công nghệ số. Dự kiến, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng 29%/năm.

Về phía doanh nghiệp, một báo cáo do Tập đoàn Meta hợp tác với BCG công bố gần đây cho biết, 73% người tiêu dùng ở Việt Nam sử dụng tin nhắn để liên lạc với các doanh nghiệp, cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát.

Hiện nay, cả nước có khoảng gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp tư nhân ở quy mô nhỏ và vừa, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ đã ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán – tài chính, sử dụng nền tảng thương mại điện tử để phục vụ bán hàng, tiếp thị trực tuyến, xuất nhập khẩu…

Tuy nhiên, nhu cầu chuyển đổi số trong các doanh nghiệp còn rất lớn. Theo VCCI, các doanh nghiệp đang mong muốn thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động bán hàng, marketing, quản trị và tham gia các chương trình đào tạo về chuyển đổi số…

Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Nguồn: Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Nguồn: Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thực tế là chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất nhiều thách thức cũng như rào cản và lo ngại.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho hay, một cuộc khảo sát gần đây về chuyển đổi số cho thấy, 60,1% doanh nghiệp lo ngại chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% doanh nghiệp phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của doanh nghiệp, người lao động.

Vì thế, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã được ban hành. Kết quả là đã xây dựng được cổng thông tin về chuyển đổi số doanh nghiệp với hơn 400.000 lượt tiếp cận, sử dụng; thực hiện tư vấn chuyên sâu 1-1 cho hơn 100 doanh nghiệp; đào tạo cơ bản trực tiếp cho khoảng 6.500 doanh nghiệp tại 15 tỉnh, thành phố; thiết lập mạng lưới chuyên gia về chuyển đổi số...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhận được sự hỗ trợ về chuyển đổi số từ các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Ông Ruici Tio, Quản lý Chương trình chính sách, Meta khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để đưa sự hiện diện của doanh nghiệp lên nền tảng trực tuyến và hưởng lợi từ việc tham gia vào nền kinh tế số, bán hàng xuyên biên giới. Thông qua hợp tác với VCCI, Meta đã hỗ trợ hơn 32.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc.

Vì thế, diễn đàn đã giới thiệu cuốn sổ tay điện tử với 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên nền tảng số với mục đích cung cấp thông tin hữu ích cho người tiêu dùng khi mua sắm và cho các doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác và khách hàng. Cuốn sổ tay điện tử này cũng khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi kỹ thuật số và sử dụng các nền tảng trực tuyến để truyền thông, tiếp cận khách hàng xuyên biên giới.

Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần coi chuyển đổi số là một phần của chiến lược kinh doanh của mình. Cùng với đó, chuyển đổi số phải được thực hiện dựa trên năng lực, thực trạng của doanh nghiệp và phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

(HQ Online) - Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

(HQ Online) - Việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước là một trong những yêu cầu cần thiết đặt ra nhằm hoàn thiện pháp luật về kiểm toán, qua đó giúp nâng cao hiệu lực kiểm tra, giám sát, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công, giảm thiểu thất thoát ngân sách nhà nước.

Đọc nhiều