Doanh nghiệp tìm lợi thế xuất khẩu từ chuyển đổi số

(HQ Online) - Việt Nam đang trở thành nơi đặt nhà máy, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của hàng loạt tập đoàn điện tử tên tuổi. Do đó, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chủ động chuyển đổi số để nhanh chóng hội nhập và phát triển.
“Thời điểm vàng” để doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện
Chuyển đổi số ngân hàng góp phần kiểm soát minh bạch dòng tiền
Chọn ngày 10/10 là ngày chuyển đổi số của Bộ Tài chính
Doanh nghiệp tìm lợi thế xuất khẩu từ chuyển đổi số
Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng số hóa vào quy trình sản xuất. Ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Thương mại sản xuất và phát triển công nghệ THT

Chuyển đổi số giúp đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu

Chia sẻ với Tạp chí Hải quan về công tác chuyển đổi số, ông Đặng Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường cho biết, là doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và đã xuất khẩu được sản phẩm đến các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ… nên doanh nghiệp nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi số.

Do đó, Công ty đã áp dụng mô hình quản lý doanh nghiệp bằng công nghệ số với tất cả quy trình được thực hiện trên phần mềm điện tử. Nhờ thế, các thống kê, báo cáo đều được cập nhật liên tục, lưu trữ trên hệ thống điện toán đám mây giúp doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, kiểm soát, duyệt đơn hàng mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, theo ông Bình, nhờ chuyển đổi số nên chi phí vận hành được giảm bớt, góp phần tăng hiệu suất quản lý, giúp khách hàng ở nước ngoài có thể đánh giá hiệu quả và năng lực sản xuất của doanh nghiệp cũng như đáp ứng nhanh chóng, linh hoạt các yêu cầu từ đối tác.

“Hoạt động xuất nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn do biến động mất giá từ các đồng tiền lớn trên thế giới cũng như tình hình lạm phát. Tỷ giá không còn là lợi thế nên các doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi số để đảm bảo hơn về chất lượng, tiêu chuẩn thị trường nhập khẩu”, ông Đặng Thanh Bình nhấn mạnh.

Tương tự, ông Hoàng Hữu Thắng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn kỹ thuật và công nghiệp Việt Nam (Intech Group) cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp đang tiến hành chuyển đổi số toàn diện để đưa mọi hoạt động doanh nghiệp lên môi trường số, từ làm đơn hàng, ra lệnh sản xuất, quản trị về tiến độ, quản trị chất lượng đến luồng công việc… giúp thông tin được liên thông, người lãnh đạo doanh nghiệp có thể nhanh chóng quản lý hoạt động và đưa ra những quyết định chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Theo đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lợi ích của chuyển đổi số là giúp doanh nghiệp mở rộng tập khách hàng và thị trường tiềm năng; gia tăng trải nghiệm khách hàng; sáng tạo sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu; tối ưu chi phí vận hành, chi phí nhân sự; tăng hiệu suất sản xuất kinh doanh…

Còn nhiều lo ngại

Trong bối cảnh Việt Nam đang gia tăng hội nhập, thúc đẩy xuất nhập khẩu như hiện nay, các doanh nghiệp đều ví von, đây là "thời điểm vàng" để chuyển đổi số. Hơn nữa, Việt Nam đã và đang thu hút được nhiều doanh nghiệp và đối tác quốc tế đến đặt nhà máy và sản xuất kinh doanh nên nhiều khuyến nghị được đưa ra là các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi số nhanh và hiệu quả hơn để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số ở các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn; trong đó, khó khăn nhất là con người và nguồn vốn để thực hiện việc chuyển đổi hệ thống sang môi trường số.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cụ thể: 23,4% doanh nghiệp cho biết họ lo ngại về sự rò rỉ dữ liệu cá nhân, dữ liệu doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số; 26,6% doanh nghiệp khó khăn do thiếu hiểu biết của người lao động; 32,1% do thiếu cam kết, hiểu biết của đội ngũ quản lý doanh nghiệp; 40,4% thiếu thông tin về công nghệ số; 45,4% thiếu hạ tầng về công nghệ số; 60,1% khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số…

Hơn nữa, ông Đặng Thanh Bình cho hay, cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã có, nhưng còn rất khó để doanh nghiệp có thể tiếp cận. Theo ông Bình, để nhận được gói hỗ trợ, đôi khi doanh nghiệp mất chi phí nhiều hơn giá trị mà họ nhận được; nguồn thông tin để tiếp cận những gói hỗ trợ cũng chưa đến được với doanh nghiệp.

Do đó, các doanh nghiệp đều mong muốn các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đối số được thực hiện hiệu quả hơn nữa.

Cần sự chuyển đổi số đồng bộ từ cơ quan hành chính

Từ tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực bước ra toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số…

Hiện nhiều bộ, ngành và các địa phương đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Chẳng hạn, vào tháng 1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”, trong đó nêu rõ sẽ thực hiện hỗ trợ chuyển đổi số cho 90.000 doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập…

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số. Mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp được chia thành 6 cấp độ, qua đó, các doanh nghiệp sẽ được thẩm định, đánh giá mức độ chuyển đổi số và được cấp giấy chứng nhận để quảng cáo thương hiệu cũng như đăng ký tham gia các chương trình chuyển đổi số doanh nghiệp và các đề án chuyển đổi số của cơ quan nhà nước.

Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã ký ban hành quyết định chọn ngày 10/10 hàng năm là ngày chuyển đổi số của Bộ Tài chính. Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn khi có sự chuyển đổi đồng bộ từ các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó ngành Hải quan, Thuế, Bảo hiểm… được đánh giá là những cơ quan đi đầu trong xây dựng cơ sở dữ liệu để chuyển sang hoạt động trên nền tảng công nghệ số.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

(HQ Online) - SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với năm 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.

Đọc nhiều