Giá thép tăng cao, doanh nghiệp thép "hốt bạc"

(HQ Online) - Các doanh nghiệp ngành thép đang đua nhau báo lãi, có doanh nghiệp tăng bằng vài lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho là do giá thép tăng nóng.
Infographics: Sắt thép nhập tăng 3 triệu đồng/tấn, thị trường Trung Quốc tăng mạnh
Vì sao giá thép tăng mạnh?
Giá thép tăng đột biến, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng kêu cứu
Giá nguyên liệu tăng, các doanh nghiệp áp lực về chi phí sản xuất gia tăng và nguy cơ khan hiếm nguồn nguyên liệu. Ảnh: ST
Giá nguyên liệu tăng, các doanh nghiệp thép đứng trước nguy cơ khan hiếm nguồn nguyên liệu.

Lãi một tháng xấp xỉ cả quý

Công ty Cổ phần Thép Tiến Lên vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 4 với doanh thu thuần 779 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 115,3 tỷ đồng. Trong khi trước đó, báo cáo lợi nhuận quý 1/2021 của doanh nghiệp này đạt 120 tỷ đồng, gấp 32,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này có nghĩa là, chỉ trong 1 tháng 4, lợi nhuận của doanh nghiệp này đã bằng cả quý 1.

Theo giải trình từ Thép Tiến Lên, nguyên nhân lợi nhuận tăng cao là do giá sắt thép tăng khởi sắc thu hút lượng mua lớn dẫn đến doanh thu bán hàng tăng cao so với cùng kỳ. Công ty lại nhập giá bình quân hàng hoá thấp và giá bán tại thời điểm quý 1 tăng cao so nhà nước kích thích đầu tư, các công trình trọng điểm đi vào hoạt động như dự án khởi công sân bay Long Thành… dẫn đến lợi nhuận gộp tăng tương ứng.

Tương tự, theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2 niên độ tài chính 2020-2021 (từ 1/1/2021 đến 31/3/2021), Tập đoàn Hoa Sen đạt sản lượng tiêu thụ 542.532 tấn, tăng trưởng 65% so với cùng kỳ. Nhờ đó, doanh thu cũng tăng mạnh 88% so với cùng kỳ, đạt 10.846 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 1.035 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ.

Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát, lũy kế quý 1/2021, công ty này cung cấp ra thị trường hơn 184.000 tấn ống thép các loại, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lãnh đạo Hòa Phát cho biết, doanh thu quý 1 ước đạt 31.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 7.000 tỷ đồng, tức là tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ. Thậm chí, lãnh đạo Hòa Phát còn đánh giá, kết quả kinh doanh quý 2 có thể còn tốt hơn quý 1.

Tương tự, “ông lớn” của ngành thép là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng đột biến, khi kết quả lợi nhuận sau thuế quý 1/2021 đạt 394 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ đạt 29 tỷ đồng, tức là tăng hơn 13,5 lần. Kết quả khả quan của công ty mẹ đã phản ánh lên hoạt động của các công ty con và công ty liên kết. Đơn cử, Công ty Cổ phần Gang thép Thép Thái Nguyên ghi nhận doanh thu quý 1 đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 39,3% so với cùng kỳ, nhờ đó, lãi sau thuế đạt hơn 44 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần so với kết quả quý 1/2020.

Đặc biệt, nhờ những yếu tố thuận lợi, nhiều doanh nghiệp thép đã đang thua lỗ thành có lãi. Chẳng hạn, Công ty Thép Đà Nẵng đã ghi nhận lãi sau thuế tại quý 1 gần 40 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 11,2 tỷ đồng. Công ty Thép Pomina cũng có lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2021 đạt gần 74,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ đến 55,7 tỷ đồng…

Triển vọng lớn từ xuất khẩu

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), giá thép tăng đã giúp các doanh nghiệp ngành thép hưởng lợi, đặc biệt là các doanh nghiệp chủ động được nguồn cung phôi thép và các doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho dồi dào lúc giá còn thấp trước đó.

Hiện một số dự án thép đã đi vào hoạt động như Dự án Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất của Hòa Phát, Dự án Nhà máy luyện thép Nghi Sơn… nên năng lực sản xuất của thép xây dựng sẽ đạt khoảng 14 triệu tấn. Bộ Công Thương khẳng định, các dự án này sẽ bảo đảm 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Vì thế, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VCBS nhận định, triển vọng của ngành thép tương đối khả quan cả về giá bán, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Giá thép ở mức cao được hỗ trợ bởi mặt bằng giá nguyên liệu tăng mạnh và sự thiếu hụt nguồn cung tạm thời. Hơn nữa, làn sóng đầu tư công cùng sự phục hồi của bất động sản xây dựng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép nội địa.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn cho rằng, thị trường thép thế giới cũng đang có mức giá rất cao, tạo cơ hội cho các hãng sản xuất thép châu Á, trong đó có Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thép sang Mỹ và Châu Âu.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp thép Việt Nam đã và đang xuất khẩu rất mạnh. Tại Hòa Phát, trong quý 1, thép thành phẩm xuất khẩu là 147.000 tấn, tăng 10%; phôi thép xuất khẩu trên 386.000 tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại Hoa Sen, theo số liệu VSA, sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Hoa Sen trong quý 1 đạt hơn 310.000 tấn, dẫn đầu và chiếm hơn 41% tổng sản lượng xuất khẩu tôn mạ toàn ngành.

Nhờ những kết quả khả quan như vậy, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành thép liên tục tăng mạnh, trở nên hấp dẫn nhà đầu tư ngang ngửa cổ phiếu ngành ngân hàng. Nhiều mã cổ phiếu ngành thép đã tăng giá hàng chục % so với hồi đầu năm 2021.

Tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao lại là "dao hai lưỡi", khi giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ giá bán, nhưng cũng áp lực về chi phí sản xuất và nguy cơ khan hiếm nguồn nguyên liệu, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ, không có hàng tốn kho. Do đó, đại diện VSA lưu ý, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cải tiến công nghệ trong sản xuất…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ BAC A BANK

(HQ Online) - Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) dành tặng Khách hàng doanh nghiệp mức lãi suất hấp dẫn trong khuôn khổ Chương trình "Tiếp vốn nhanh - Kinh doanh bứt phá”, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tận dụng nguồn tín dụng ưu đãi để kịp thời bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đọc tiếp

Đọc nhiều