EVN, Viettel rút ra bài học kinh nghiệm gì sau bão số 3?
Nhân viên EVN Hà Nội lội nước, xuyên đêm khắc phục sự cố tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ảnh: EVN |
Tại Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 vào ngày 28/9/2024, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết, đến nay EVN đã cấp điện trở lại cho 100% số khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3, chỉ còn vài khu vực tại Hà Nội bị ngập lụt như huyện Chương Mỹ, Ba Vì. Ngoài ra, toàn bộ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có điện phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hệ thống truyền tải điện cơ bản được khắc phục hoàn toàn.
Trước đó, theo báo cáo của EVN, sau bão số 3, về tài sản, vật chất, trong lĩnh vực năng lượng, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 2.175 cột điện bị gãy, đổ; gần 500 cột điện bị sạt lở, nghiêng; 48 trạm biến áp bị hư hỏng; 71.466m dây dẫn bị hư hỏng gây mất điện sinh hoạt và sản xuất trên diện rộng.
Còn theo Công ty Điện lực Lào Cai (PC Lào Cai), hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa lớn kéo dài, dẫn đến tình trạng ngập lụt, sạt lở đất ở nhiều khu vực, nên có tới 140 trạm biến áp phân phối bị mất điện, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của gần 150.000 khách hàng. Nhưng đến ngày 25/9/2024, PC Lào Cai đã hoàn tất việc khôi phục, cấp điện cho toàn bộ khách hàng bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3.
Rút ra bài học kinh nghiệm sau cơn bão lớn, ông Đặng Hoàng An cho biết, EVN đã phải huy động tổng lực từ Tổng Công ty điện lực miền Trung, TP Hà Nội, lực lượng của Bộ Quốc phòng thì mới có thể nhanh chóng khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Lãnh đạo EVN nhận định, các phương án ứng phó tại chỗ của ngành điện chưa đáp ứng yêu cầu. Vì thế cần xem xét thiết kế lại kết cấu công trình truyền tải điện trước cấp độ bão lớn như bão số 3.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Với lĩnh vực viễn thông, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, bão số 3 ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống viễn thông. Viettel đã tập trung khôi phục thông tin liên lạc nhanh nhất có thể, điều lực lượng từ phía Nam và từ miền Trung ra để hỗ trợ khắc phục, trong đó có những điểm trọng yếu phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn như làng Nủ; phối hợp với các đơn vị kinh tế để phủ sóng nhanh nhất có thể, đặc biệt là những vùng rất xa như mỏ than Vàng Danh, Hà Lầm… để phục vụ cho công tác bảo đảm năng lượng.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng cho rằng, đây là bài học sâu sắc để Viettel thiết kế hạ tầng viễn thông, chủ động tại những vị trí trọng yếu đảm bảo được thông tin liên lạc; áp dụng các giải pháp công nghệ mới phục vụ cho công tác chỉ huy điều hành cũng như công tác tìm kiếm cứu nạn; phối hợp, hiệp đồng chắt chẽ ơi các cơ quan, đơn vị trong hạ tầng như điện lực, xăng dầu…; quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho con người.
Không chỉ Viettel, các doanh nghiệp viễn thông khác như VinaPhone, MobiFone cơ bản đã khôi phục sự cố do bão số 3 gây ra. Trước đó, để ứng phó với hậu quả sau bão, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục sự cố dịch vụ di động và băng rộng cố định. VNPT cũng đã chia sẻ mạng lưới với các doanh nghiệp viễn thông khác. Các cửa hàng của VNPT, MobiFone tại các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão lũ đã mở cửa suốt đêm hỗ trợ sạc điện, roaming sóng miễn phí, cung cấp cho người dân nước máy, tín hiệu wifi; điều phối xe phát sóng di động hoạt động hết công suất để cứu hộ những khu vực khó khăn trong địa bàn các tỉnh, thành phố gặp bão.
Ý kiến bạn đọc