Đứt gãy lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp sẽ kẹt dòng tiền kinh doanh

(HQ Online) - Theo các chuyên gia, để vượt qua khủng hoảng, ngoài các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, việc xây dựng lại nội lực bằng ứng dụng công nghệ và thay đổi chiến lược để phục hồi của doanh nghiệp cũng là điều hết sức cần thiết.
'Phá băng' cho doanh nghiệp ngành sản xuất bằng chuyển đổi số
Doanh nghiệp mong sớm được giảm tiền thuê đất
Đáng lo khi tiền gửi của doanh nghiệp tăng cao
Kiểm tra thân nhiệt người lao động trước khi vào làm việc. Ảnh: H.Dịu
Kiểm tra thân nhiệt người lao động trước khi vào làm việc. Ảnh: H.Dịu

Ý kiến trên được nêu tại tọa đàm online “Chiến lược và hướng đi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thời Covid-19” được tổ chức vào tối 27/8 bởi Câu lạc bộ Doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) và Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển nhân lực DGroup.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ảnh hưởng của Covid-19, trong 7 tháng năm 2021, gần 80.000 doanh nghiệp đã phải rời bỏ thị trường. Vì thế, từ nay đến hết năm, nếu Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế, số lượng doanh nghiệp phá sản cũng ở mức 100.000 doanh nghiệp, mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp phá sản. Trường hợp xấu hơn là nếu không kiểm soát được dịch bệnh, sẽ có khoảng 150.000 doanh nghiệp phá sản trong năm nay.

Nguyên nhân chính là bởi các doanh nghiệp bị mất tính thanh khoản, mất khả năng chi trả. Nhưng một doanh nghiệp mất thanh khoản cũng sẽ kéo theo ảnh hưởng đến tài chính của các đối tác kinh doanh.

Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, giao thông bị ngăn trở, sức cầu kinh tế thấp trong khi nguồn cung có sẵn, khiến doanh nghiệp có hàng hóa cũng không thể có dòng tiền kinh doanh thu về.

Bà Vũ Thị Thuận, thành viên HĐQT Traphaco cho rằng, khó khăn tựu chung nhất của doanh nghiệp chính là sức mua của người dân giảm nhiều. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất, phân phối là rất lớn trong khi doanh thu giảm nên rất khó khăn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải luôn trên tinh thần tích cực chống dịch để duy trì sản xuất, phải ứng dụng công nghệ số, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để vượt qua, chuyển đổi hình thức làm việc, quản trị.... Ngoài ra, doanh nghiệp nên có kế hoạch về chiến lược phát triển, kế hoạch tài chính dưới những giả định về dịch bệnh khác nhau.

Cũng về vấn đề này, theo TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hanoisme cho biết, các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tài chính để phục vụ kinh doanh, cho phép giãn nợ năm 2021-2022. Đặc biệt, có thể hỗ trợ doanh nghiệp các chi phí chống dịch như xét nghiệm, phun khử khuẩn; sớm triển khai tiêm vắc xin cho người lao động, nhất là các doanh nghiệp vận chuyển, sản xuất bán hàng trực tiếp...

Hiện nay, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, điều này khiến hoạt động giao thương hàng hóa bị ách tắc, do đó, ông Mạc Quốc Anh thẳng thắn nhìn nhận, các giải pháp về thuế, tài chính, thủ tục hành chính chỉ là giải pháp căn cơ, còn giải pháp trước mắt phải là làm sao để doanh nghiệp lưu thông hàng hóa. Chỗ nào đã khoanh vùng, tạo được vùng xanh, thì địa phương, cơ quan quản lý có thể cân nhắc cho giao thương bình thường để hàng hóa được lưu thông.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng, điều quan trọng phải "mổ xẻ" doanh nghiệp đang khó khăn ở đâu, nhất là do tác động của dịch Covid-19. Các chính sách đã trúng và đúng, song doanh nghiệp đang còn gặp khó với việc tiếp cận. Đơn cử, mặc dù ngân hàng thực hiện việc giảm lãi suất, hoãn, giãn tiến độ nhưng cần đến sớm được với doanh nghiệp để có thể gỡ khó, có nguồn vốn để duy trì. Thực hiện những vấn đề này rất cần cầu nối của các tổ chức, hiệp hội để nêu lên tiếng nói, nhu cầu của các doanh nghiệp.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều