Dừng thành lập mới các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu đến năm 2030?

(HQ Online) - Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua hiệu quả hoạt động của 17 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước vẫn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Và đặc biệt là chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt cho DN thuộc các thành phần kinh tế khác, tạo động lực đối với nền kinh tế.
Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước
Hơn 111 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng
156 doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020
Vướng mắc của một số dự án do "siêu ủy ban" làm chủ sở hữu: Chính phủ quyết ra sao?

Lãi có xu hướng giảm dần

Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (gần 0,4% số lượng DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh) nhưng các DNNN nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế (chiếm khoảng 26% tổng vốn sản xuất kinh doanh và hơn 24% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh). Tuy nhiên, trong thời gian qua hiệu quả hoạt động của 17 Tập đoàn kinh tế (TĐKT), Tổng công ty nhà nước (TCT) vẫn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế.

Tổng doanh thu của của 17 TĐKT, TCT trong 3 năm 2017, 2018, 2019 có xu hướng tăng khá đều, với mức bình quân là 1.465.493 tỷ đồng và tỷ lệ trung bình tăng là 8%. Những TĐKT, TCT có mức doanh thu lớn trong năm 2017, 2018 và 2019 tập trung chủ yếu ở khối Tập đoàn. Tuy nhiên, lãi phát sinh trước thuế của TĐKT, TCT bình quân trong giai đoạn 2017 - 2019 là 151.419 và có xu hướng giảm dần trong 3 năm thực hiện. Theo đó, năm 2017 là 154.569 tỷ đồng, tăng 27% so với thực hiện năm 2016. Năm 2018, tỷ lệ này chỉ tăng ở mức khiêm tốn là 3% so với thực hiện năm 2017 (152.168 tỷ đồng). Tuy nhiên, năm 2019, chỉ số này chỉ đạt 147.519 tỷ đồng, giảm 3% so với thực hiện năm 2018.

Các TĐKT, TCT có lãi phát sinh trước thuế đạt cao trên 5.000 tỷ đồng trong năm 2017, 2018 và 2019 vẫn chủ yếu ở những TĐKT, TCT có quy mô lớn. Nhưng vẫn có những công ty mẹ có tổng doanh thu tăng nhưng lãi phát sinh trước thuế lại giảm như: Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có tổng doanh thu tăng 55% nhưng lãi phát sinh trước thuế giảm 16% so với thực hiện năm 2018. Đối với năm 2018, tổng doanh thu tăng 26% nhưng lãi phát sinh trước thuế giảm 23% so với thực hiện năm 2017.

Từ những số liệu trên có thể thấy, so sánh với khu vực DN FDI và DN tư nhân, khu vực DNNN tiếp tục có xu hướng giảm dần quy mô và tỷ lệ đóng góp ở tất cả các chỉ tiêu trong giai đoạn 2016-2018. Khu vực DNNN đang có chỉ số nợ cao nhất trong các loại hình DN. DNNN chỉ hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên (khai thác khoáng sản, dầu khí) hoặc thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại (như viễn thông, tài chính tín dụng).

Dừng thành lập mới các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu đến năm 2030?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ là 1 trong 3 tập đoàn kinh tế Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ảnh: Internet.

Chỉ nắm giữ 100% vốn tại 3 TĐKT

Chính vì vậy, trong Đề án “Phát triển DN nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho DN thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”, Bộ Kế hoạch đã đề xuất trong thời gian trước mắt, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 3 Công ty mẹ của các tập đoàn: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (trong điều kiện Công ty mẹ vẫn nắm giữ mạng lưới truyền tải và hệ thống điều độ điện quốc gia); TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (do là DN có chức năng sử dụng vốn của Nhà nước để đầu tư vốn vào trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của quốc gia) và Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội Viettel (do là DN quốc phòng an ninh có định hướng thực hiện công nghiệp quốc phòng).

Đồng thời, thực hiện cổ phần hoá hoặc thoái vốn (tại các Công ty mẹ đã hoàn thành cổ phần hoá), Nhà nước nắm giữ vốn ở mức chi phối (từ 50% tổng số cổ phần trở lên) tại các TĐKT, TCT còn lại, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu "Hầu hết các DNNN có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là DN cổ phần", thực hiện tốt vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng tham gia vào nền kinh tế nhiều thành phần, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất từ nay đến năm 2030, không nên thành lập mới các TĐKT, TCT nhà nước do Nhà nước làm chủ sở hữu. Mà sẽ tập trung vào việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các TĐKT nhà nước hiện có. Chính sách của Nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc thị trường, theo đó cần tôn trọng sự hình thành, tồn tại, và phát triển của TĐKT, cũng như việc TĐKT bị phá sản, bị mua lại hay bị thâu tóm phụ thuộc vào năng lực tồn tại, cạnh tranh, phát triển của bản thân các TĐKT cũng như DN hợp thành TĐKT.

Muốn vậy, chính sách có liên quan của nhà nước cần hướng vào thúc đẩy phát triển thể chế kinh tế thị trường minh bạch, cạnh tranh công bằng, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, góp vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại, thâu tóm giữa các DN.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều