Doanh nghiệp Việt Nam mạnh về chất và lượng cho mục tiêu phát triển bền vững

(HQ Online) - Với những mục tiêu về phát triển đất nước đã đặt ra, thì một trong những yêu cầu, đòi hỏi quan trọng là phải xây dựng được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ năng lực, ngang tầm khu vực và thế giới.
Chủ tịch VCCI: Nhiều đổi mới của Thuế, Hải quan đã giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực cho các mục tiêu phát triển bền vững
Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, mặt bằng cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội

Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (Nghị quyết 41). Để có thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 41, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Đội ngũ doanh nhân với xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” vào sáng 17/12 tại Hà Nội.

hội thảo khoa học với chủ đề “Đội ngũ doanh nhân với xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Hội thảo khoa học “Đội ngũ doanh nhân với xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Tại hội thảo khoa học, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh khẳng định, Nghị quyết 41 có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp thực hiện rất đúng rất trúng với mong đợi của doanh nhân Việt Nam.

Nghị quyết đã khẳng định đội ngũ doanh nhân là “một trong những lực lượng nòng cốt” không chỉ góp phần “đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập” mà còn cả “bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Điều này cho thấy sự thay đổi nhận thức của Đảng về vai trò và vị trí của đội ngũ doanh nhân, nhất là trong thời kỳ mới, thời kỳ thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.

Phó Chủ tịch VCCI cũng nêu, để thực hiện được vai trò này, đội ngũ doanh nhân cần phải phát triển lớn mạnh. Do đó, Nghị quyết 41 đã đưa ra các mục tiêu cho từng giai đoạn đến năm 2030 và 2045, gắn với các mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Sau hơn 37 năm đổi mới của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Trong giai đoạn 2011-2022, tổng số có hơn 1,3 triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chiếm 69,11% tổng số doanh nghiệp thành lập kể từ khi có luật doanh nghiệp đến nay.

Hiện nay, Việt Nam đã có trên 900.000 doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh, gần 30 nghìn hợp tác xã. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người, giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước.

Nhưng theo các chuyên gia tại hội thảo, bối cảnh kinh tế thế giới lại đang chuyển biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ. Những thay đổi toàn diện về địa chính trị, kinh tế, thương mại, cạnh tranh giữa các nước lớn, hội nhập, chuỗi cung ứng… cùng với xu thế tất yếu của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là chuyển đổi số đang đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi các doanh nhân, doanh nghiệp và mỗi quốc gia phải không ngừng đổi mới để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức nhằm phát triển nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhìn nhận khách quan thì đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn nhỏ bé, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Hơn nữa, tính liên kết của các doanh nhân, doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Khả năng tận dụng các cơ hội từ hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn hạn chế.

Bên cạnh đó, vì lợi nhuận, một số doanh nhân đã bất chấp đạo lý, kỷ cương, phủ nhận những giá trị đạo đức tốt đẹp, xâm phạm những chuẩn mực kinh doanh truyền thống của dân tộc…

Do đó, tại hội thảo, các chuyên gia nhìn nhận, vấn đặt ra là phải có giải pháp để làm thế nào xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam thực sự lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có kiến thức và trình độ, có ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc mạnh mẽ, có bản lĩnh vững vàng, khả năng hội nhập cao…

Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, yêu cầu phát triển mạnh về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp phần quyết định vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Về phía các doanh nghiệp, đại diện một số tổ chức và hiệp hội doanh nghiệp bày tỏ kiến nghị cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giúp các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có điều kiện phát triển thuận lợi.

Chẳng hạn, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn N&G đã nêu lên những kiến nghị để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đón đầu xu hướng về chuyển dịch đầu tư sản phẩm bán dẫn, như sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ, xây dựng và quy hoạch thành từng vùng kinh tế để phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp, thiết kế các gói chính sách đặc thù về tài chính, vốn cho các doanh nghiệp cùng phát triển…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

Đề xuất các quy định mới về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

(HQ Online) - Để cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024, đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

Sửa Luật Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả giám sát sử dụng tài chính công, tài sản công

(HQ Online) - Việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước là một trong những yêu cầu cần thiết đặt ra nhằm hoàn thiện pháp luật về kiểm toán, qua đó giúp nâng cao hiệu lực kiểm tra, giám sát, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công, giảm thiểu thất thoát ngân sách nhà nước.

Đọc nhiều