Rủi ro nợ xấu gia tăng, ngân hàng đề nghị quy định về quyền đòi nợ

(HQ Online) - Nguy cơ về nợ xấu được cảnh báo còn tiếp tục gia tăng, vì thế các ngân hàng kiến nghị thêm hành lang pháp lý để xử lý hiệu quả nợ xấu, đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ.
Đảm bảo đúng bản chất nợ xấu khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ Cần một “ngã rẽ” để khơi thông thị trường mua bán nợ xấu “Cục máu đông” nợ xấu chưa tan
ngân hàng tiếp tục đề nghị nhanh chóng “chứng khoán hóa” các khoản nợ xấu. Ảnh: ST
Ngân hàng tiếp tục đề nghị nhanh chóng luật hóa, chứng khoán hóa trong xử lý nợ xấu. Ảnh: ST

Niềm tin suy giảm ảnh hưởng tới cam kết trả nợ

Trong báo cáo tại hội nghị sơ kết ngành ngân hàng mới đây, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, Ngân hàng đã xây dựng và thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Kết quả nổi bật là lợi nhuận trước thuế tăng trên 200%, nợ xấu giảm từ 8,1% xuống còn 1,86%, chất lượng quản trị, điều hành được nâng cao. Vì thế, Agribank đã xây dựng và trình NHNN phê duyệt Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, nhiều khoản nợ xấu đang tiềm ẩn nhờ Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ. Theo NHNN, tính tới 30/6/2023, đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, tổng dư nợ gốc và lãi được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ là gần 62.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo một trong 4 “big 4” ngân hàng lại lo ngại về vấn đề kiểm soát nợ xấu.

Theo ông Phạm Đức Ấn, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng dẫn đến nợ xấu gia tăng mặc dù NHNN đã có cơ chế cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

“Thực tế, tỷ lệ nợ xấu của Agribank thời điểm 30/6/2023 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và áp lực gia tăng trong thời gian tới là rất lớn”, Chủ tịch HĐTV Agribank thẳng thắn chia sẻ.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) chia sẻ, bất động sản vẫn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến các ngành nghề khác, nên MB dành khoảng 20% hạn mức tín dụng để tài trợ cho lĩnh vực này.

6 tháng đầu năm 2023, MB đã cấp khoảng 147.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng cho bất động sản, tăng 4,2% so với năm 2023, với 80% dư nợ bất động sản là cho vay khách hàng cá nhân mua nhà, còn lại khách hàng doanh nghiệp có dư nợ khoảng 31.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng dư nợ của MB.

Mặc dù đã có chỉ đạo sát sao của Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc cho thị trường bất động sản nhưng ông Ánh cho biết, tiến độ giải quyết còn chậm, đặc biệt về việc định giá đất, phê duyệt quy hoạch còn gặp các vướng mắc về thẩm quyền, trình tự, phương pháp tính tại các địa phương. Đối với khách hàng doanh nghiệp là chủ đầu tư thì không hoàn thiện được dự án theo tiến độ dự kiến do vướng mắc pháp lý, khó khăn về nguồn vốn triển khai, áp lực nợ và trái phiếu đến hạn than toán lớn, sụt giảm doanh thu, người mua nhà gây áp lực trả lại sản phẩm.

“Đối với khách hàng cá nhân mua nhà, ngoài việc suy giảm nguồn thu để trả nợ, các vướng mắc pháp lý của dự án cũng gây mất niềm tin cho người mua nhà, trì hoãn việc trả nợ, ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của ngân hàng”, Tổng giám đốc MB nêu rõ.

Cần quy định về quyền đòi nợ

Từ những lo lắng về nợ xấu của ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã nêu kiến nghị, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, ban hành hướng dẫn về định giá khoản nợ xấu thông qua tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam theo quy định của Luật Giá, từ đó hình thành thị trường mua bán nợ.

Cũng về hành lang pháp lý cho nợ xấu, ông Phạm Như Ánh đề nghị Quốc hội và Chính phủ luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả.

Theo lãnh đạo MB, các cơ quan chức năng cần xem xét cơ chế cho phép "chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất" tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu đối với các dự án đang triển khai dở dang và giúp tăng nguồn cung nhà ở.

Chia sẻ thêm về giải quyết vướng mắc trong xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank) cho rằng, cần có chính sách bảo vệ nhà đầu tư, quyền và lợi ích của ngân hàng, củng cố hoạt động lành mạnh của ngân hàng.

“Người cho vay đang chịu nhiều rủi ro nhất, cơ quan quản lý cần có những quy định về quyền đòi nợ, quyền xử lý nợ. Ngân hàng có quyền đòi nợ, người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ”, Tổng giám đốc VPBank nói.

Ngoài ra, theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), chỉ có giảm được lãi suất cho vay mới đảm bảo được tăng trưởng tín dụng, giảm nguy cơ nợ xấu phát sinh, duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng vay và đặc biệt góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước phát triển.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

(HQ Online) - SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với năm 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.

Đọc nhiều