Công ty tài chính HAFIC lọt “tầm ngắm” của TPBank, AFS và KB Kookmin Card

(HQ Online) - Covid-19 làm thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) lắng xuống, nhưng các thương vụ M&A dự kiến sẽ nở rộ từ quý 4/2021 với sự tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài trong đó có thương vụ của FCCOM và HAFIC.
Ngân hàng thế giới tiếp tục khuyến nghị theo dõi sát khu vực tài chính
NHNN sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động các công ty tài chính
Tăng cường kỷ luật tài chính, triển khai quyết liệt hóa đơn điện tử
Còn nhiều tiềm năng cho M&A lĩnh vực tài chính. Ảnh: Internet
Còn nhiều tiềm năng cho M&A lĩnh vực tài chính. Ảnh: Internet

Thống kê của hãng luật White & Case cho biết, trong 9 tháng năm 2021, Việt Nam có 41 thương vụ M&A doanh nghiệp với tổng giá trị 3,01 tỷ USD, trong đó riêng ngành dịch vụ tài chính ghi nhận 1,47 tỷ USD.

Theo nhận định của các chuyên gia Công ty Chứng khoán MB (MBS) tại báo cáo ngành Ngân hàng 2022, từ quý 4/2021, nhiều thương vụ M&A nở rộ với sự tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài. Cụ thể như Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) với thương vụ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit với giá 1,4 tỷ USD; ngân hàng Bank of Ayudhya của Thái Lan chi 69 triệu USD mua lại SHB Finance.

MBS kỳ vọng từ quý 4/2021 trở đi sẽ là các thương vụ: MSB đang đàm phán đối tác nước ngoài bán công ty tài chính FCCOM sau khi thương vụ với Hyundai Card không thành; Công ty Cổ phần Tài chính Handico (HAFIC) đang là tâm điểm chú ý của nhiều tổ chức trong và ngoài nước khi TPBank (Việt Nam), AFS (Nhật Bản), KB Kookmin Card (Hàn Quốc) đều đang thể hiện sự quan tâm với HAFIC dù công ty nay đang bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt từ năm 2015.

Nói riêng về TPBank, tại Đại hội cổ đông thường niên 2021, lãnh đạo TPBank cho biết ngân hàng đang tiếp tục đàm phán với đối tác để tham gia cơ cấu tại công ty tài chính dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Kế hoạch này của TPBank đã thông qua từ năm 2019 nhưng vẫn chưa được hiện thực hóa.

Theo nhận định của MBS, trong quý 4/2021, với việc nền kinh tế mở cửa trở lại, gia tăng kích cầu, nhu cầu chi tiêu cho dịp lễ cuối năm nên nhu cầu tín dụng tiêu dùng sẽ bùng nổ trong giai đoạn này và sẽ kéo dài đến năm 2022.

Hơn nữa, trong trung và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, kéo theo nhu cầu tín dụng cho mảng bán lẻ tiếp tục tăng cao, do đó MBS dự báo bức tranh tăng trưởng của ngành cho vay tiêu dùng vẫn rất khả quan, mặc dù có thể sẽ khó để đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao như trong giai đoạn 2014-2019.

“Tiềm năng của ngành tài chính tiêu dùng sẽ còn rất lớn, đây có thể là lý do để các “ông lớn” trong ngành tài chính thế giới liên tục tiến hành thâu tóm các công ty tài chính hàng đầu Việt Nam”, báo cáo của MBS nhìn nhận.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều