Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Công nghệ đắt nhất không có nghĩa là phù hợp nhất

(HQ Online) - Thực tế cho thấy, công nghệ số chỉ được doanh nghiệp chủ yếu áp dụng đối với các hoạt động quản trị, logistics, marketing, bán hàng… trong khi khâu quan trọng nhất là sản xuất lại chưa thực sự được chú trọng.
Thách thức lớn chuyển đổi số nông nghiệp là thay đổi nhận thức
Doanh nghiệp đồng hành cùng Hải quan thực hiện chuyển đổi số
Doanh nghiệp tận dụng khung chuyển đổi số để tăng tốc, bứt phá sau đại dịch Covid-19
Sản xuất tại Công ty Công ty Rochdale Spears.
Sản xuất tại Công ty Công ty Rochdale Spears.

Ngày 9/3, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo: Vượt qua đại dịch - Chuyển đổi số để phục hồi và tăng trưởng sản xuất.

Theo TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, VCCI, quãng thời gian sống chung với Covid-19 chính là thời điểm quan trọng, là “cú huých trăm năm”, để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của chuyển đổi số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Theo một khảo sát mà VCCI đã thực hiện về thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, 3/4 các doanh nghiệp khảo sát đã quan tâm ứng dụng các công nghệ số trước tác động của đại dịch Covid-19.

Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp lớn ứng dụng các công nghệ số cao hơn, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã dần bắt kịp. Đáng chú ý, tỷ lệ các doanh nghiệp sản xuất chế biến ứng dụng các công nghệ số cao hơn so với các doanh nghiệp phi sản xuất.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng chỉ ra những điểm đáng lưu tâm khi công nghệ số chỉ được doanh nghiệp chủ yếu áp dụng đối với các hoạt động quản trị, logistic, marketing, bán hàng,… trong khi khâu quan trọng nhất là sản xuất lại chưa thực sự được chú trọng.

Vì thế, TS. Lương Minh Huân cho rằng, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp không thể chỉ đầu tư mua sắm ứng dụng các thiết bị, công nghệ số mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số.

Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số, đại diện Công ty TNHH Rochdale Spears cho biết, doanh nghiệp đã phải tìm phương án phù hợp bằng cách phân tích các quy trình kinh doanh và phát hiện các quy trình chưa hoàn thiện hoặc cần được cải thiện. Từ đó, Công ty sẽ lựa chọn hệ thống đem lại giá trị đầu tư cao nhất.

“Đắt nhất không có nghĩa là phù hợp nhất, nên phải lập kế hoạch ngân sách hiệu quả”, đại diện Rochdale Spears chia sẻ.

Còn với Công ty Plus Vietnam, việc kinh doanh đang phát triển nhanh chóng, Plus Việt Nam cần một hệ thống mạnh có thể quản lý hoạt động và chi phí sản xuất một cách hiệu quả. Vì thế, Công ty đã lựa chọn giải pháp xây dựng nhà máy thông minh, với công nghệ linh hoạt và hiện đại để hỗ trợ mở rộng kinh doanh.

Theo TS. Lương Minh Huân, những câu chuyện thành công về chuyển đổi số cho thấy, những người “tiên phong” trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà.

“Việc phải đổi mới mô hình kinh doanh chính là rào cản lớn nhất cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, bên cạnh các khó khăn khác liên quan đến nguồn lực tài chính, năng lực công nghệ, lựa chọn giải pháp tối ưu và tìm kiếm các đối tác tin cậy”.

Do vậy, tại hội thảo, các chuyên gia và doanh nghiệp đã nêu đề xuất, Chính phủ cần có thêm những hỗ trợ để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong chuyển đổi số. Trong đó, xây dựng nên các quy tắc, quy định thúc đẩy kinh doanh không dùng giấy tờ; hỗ trợ tài chính cho ứng dụng công nghệ số và minh bạch hóa các quy tắc, quy định về quản lý dữ liệu…

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Đọc nhiều