Lãi suất cho vay chưa giảm nhiều, khách hàng cá nhân bị "ngó lơ"

(HQ Online) - Mặc dù đã có nhiều chỉ đạo về việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn phản ánh các ngân hàng đang làm cho có, giảm lãi suất chưa nhiều thực chất.
Vay mua, thuê nhà xã hội sẽ không còn được hưởng ưu đãi về lãi suất?
Giảm lãi suất cần đi liền với cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp - bao nhiêu là phù hợp?
Lãi suất cho vay vẫn còn gây khó cho nhiều doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Lãi suất cho vay vẫn còn gây khó cho nhiều doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Tín dụng tháng 7-8 tăng thấp

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng của cả nước tính đến cuối tháng 8 năm 2021 tăng 7,4% so với cuối năm 2020, tương đương với mức 14,6% so với cùng kỳ.

Từ tháng 7, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng hương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Sau đó, các ngân hàng thương mại cam kết cắt giảm hơn 24.000 tỷ đồng từ lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2,0% đối với dư nợ của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Vì thế, NHNN cho biết, tính đến ngày 26/7/2021, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn cho gần 790.000 khách hàng với dư nợ gần 1,4 triệu tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng cũng cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 4 triệu tỷ đồng cho trên 525.000 khách hàng.

Theo tính toán của chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, tổng giá trị mà ngân hàng đồng hành, giảm lãi suất cho vay hiện hữu, khoản vay mới, giảm các loại phí đến cuối năm có thể lên tới 65.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, trong 2 tháng 7 và 8, tổng giá trị tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 88.000 tỷ đồng, chủ yếu vào giai đoạn cuối tháng 8 và thấp hơn nhiều so với mức tăng thêm 600.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh cũng như lệnh giãn cách xã hội tại nhiều địa phương.

Ngân hàng thiện chí nhưng chưa giảm như kỳ vọng

Hồi giữa tháng 8, NHNN đã ban hành công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay theo kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. NHNN cho biết sẽ công bố công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm phí của từng ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng định kỳ hàng tháng; đồng thời sẽ tăng cường giám sát bằng nhiều biện pháp trực tiếp, gián tiếp việc thực hiện cam kết của toàn hệ thống.

Nghị quyết số 105/2021/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 của Chính phủ mới đây đã yêu cầu, NHNN chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay, đặc biệt là tiết giảm chi phí, để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các thương nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh...

Trong khi đó, theo phản ánh của một số doanh nghiệp trong thời gian qua việc giảm lãi suất tại nhiều ngân hàng chưa nhiều thực chất, thậm chí là giảm cho có.

Cách đây ít lâu, một doanh nghiệp nuôi trồng chế biến thủy hải sản đã gửi văn bản từ chối nhận giảm lãi suất từ một ngân hàng. Doanh nghiệp này cho rằng, ngân hàng có thiện chí nhưng mức giảm lãi vay rất ít, chỉ giảm 0,1-0,2%/năm nên chưa đủ so với quy mô hoạt động của doanh nghiệp.

Trong văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn do Covid-19, Công ty Cổ phần Eurowindow cho biết, ảnh hưởng của đại dịch đã khiến Công ty sụt giảm 70-80% lợi nhuận. Công ty gặp nhiều khó khăn do không thu được tiền của khách hàng nhưng các khoản đến hạn ngân hàng vẫn phải trả, trong khi chi phí lãi vay ngân hàng vẫn chưa được giảm theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tương tự, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng đã nói lên khó khăn trong việc doanh nghiệp bất động sản cạn dòng tiền, nguyên nhân trực tiếp do tín dụng khi lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng và doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hàng tháng. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã phải vay mượn, thậm chí là “vay nóng” để trả lương, để duy trì hoạt động tối thiểu, để trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn. Bởi lẽ, nếu không trả được các khoản vay đáo hạn thì ngay lập tức ngân hàng tự động chuyển sang nợ xấu, hoặc nhóm nợ xấu hơn, sẽ khiến doanh nghiệp lâm vào “bế tắc” vì không thể tiếp cận được các khoản vay mới.

Đăc biệt, với khách hàng cá nhân, việc giảm lãi suất lại càng bị “ngó lơ”. Theo phản ánh của nhiều khách hàng, lãi suất vay mua nhà, vay tiêu dùng hiện nay vẫn rất cao từ 10-12%/năm.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, thời điểm hiện tại các ngân hàng vẫn chủ yếu giảm lãi suất với những lĩnh vực ưu tiên, khó có thể giảm đồng bộ với tất cả khách hàng, nhất là với những khoản cho vay mua nhà hay vay cá nhân trung dài hạn.

Ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành MB cho biết thêm, việc giảm lãi suất áp dụng với nhóm khách hàng ưu tiên theo định nghĩa của NHNN và MB. MB hiện hỗ trợ giảm lãi suất từ 0,5 - 1,5%, nhưng tùy theo nhóm khách hàng và mức độ khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch. Tại mức lãi suất này, có khoảng 70.000 tỷ đồng dư nợ đối với khách hàng cá nhân được hưởng chính sách giảm.

Trao đổi về giải pháp cho vấn đề này, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bên cạnh giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng như hiện tại, Chính phủ nên nghiên cứu một gói tín dụng hỗ trợ cấp bù lãi suất. Tuy nhiên, gói tín dụng cũng chỉ có quy mô 50.000-60.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất khoảng 3-4%/năm, hướng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Điều kiện vay phải khắt khe, đúng đối tượng, không cào bằng, tránh hiện tượng lợi dụng chính sách như đã từng diễn ra trước đây.

Ý kiến bạn đọc

Đọc tiếp

Cảng Chu Lai: Kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Cảng Chu Lai: Kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Với mục tiêu đưa cảng Chu Lai trở thành trung tâm kết nối logistics, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong nước, Công ty Giao nhận Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối hoạt động giao nhận vận chuyển đường bộ - cảng biển - đường biển, tối ưu hóa chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản.
Ứng dụng công nghệ AI, sản phẩm của TECHPRO nhận giải thưởng Sao Khuê 2024

Ứng dụng công nghệ AI, sản phẩm của TECHPRO nhận giải thưởng Sao Khuê 2024

(HQ Online) - Bằng việc áp dụng các công nghệ mới từ trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện khuôn mặt… sản phẩm giải pháp quản lý sảnh Smart Visitor Meeting Solution (VIME) của Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ TECHPRO đã vinh dự nhận giải thưởng Sao Khuê 2024 tại hạng mục Quản trị doanh nghiệp.

Đọc nhiều