2 “ông lớn” kéo lùi tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng quý 1/2022
Kế hoạch của NHNN: Hỗ trợ lãi suất 2% trong 2 năm, tăng vốn cho nhóm Big4 | |
Hệ thống ngân hàng cần bổ sung vốn thêm 10,7 tỷ USD | |
Nhu cầu vay vốn tăng, ngân hàng nâng "chất" cho “room” tín dụng |
Tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2022 bình quân của các ngân hàng tương đối thấp. Ảnh: Internet |
Tăng trưởng bình quân tương đối thấp
Mặc dù chưa hết tháng 3 nhưng một số ngân hàng đã đưa ra dự báo con số lợi nhuận quý 1/2022. Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên của VIB mới đây, ông Hồ Vân Long, Phó Tổng giám đốc VIB cho biết, lãi quý 1 của ngân hàng ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng 24-25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm, với tăng trưởng tín dụng trên 5%.
Tại Hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư hồi giữa tháng 3, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB cũng tiết lộ lợi nhuận hợp nhất quý 1 của MB đạt khoảng 5.500 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, xét tổng thể mặt bằng chung, triển vọng lợi nhuận của toàn hệ thống ngân hàng lại không được như kỳ vọng, chủ yếu do 2 ngân hàng lớn kéo lại.
Theo thông tin do Công ty Chứng khoán SSI đưa ra trong Báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng vừa công bố, tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2022 bình quân của các ngân hàng tương đối thấp, chỉ tăng 9-11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận 2 ngân hàng lớn là VietinBank (chưa tính đến mảng hợp tác bán chéo bảo hiểmq– bancassurance) và Vietcombank giảm từ nền so sánh cao trong cùng kỳ năm 2021.
Các ngân hàng còn lại có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân khoảng 25-27% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn so với kỳ vọng trước đây của SSI do VPBank đã gia hạn Thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA cùng với một khoản phí trả trước bổ sung, giúp ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý 1.
Theo SSI, mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất được kỳ vọng tại SHB, Sacombank, MSB, VPBank và LienVietPostBank. SSI đưa ra 3 yếu tố chính khiến các ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong kỳ.
Thứ nhất, tín dụng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu dao động trong khoảng 2-10% so với đầu năm. Một số ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn quý 1 bao gồm Vietinbank, MB, HDBank và TPBank.
Thứ hai, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay (NIM) ổn định so với quý trước. Trong khi HDBank, VPBank và Techcombank tăng lãi suất huy động từ 10-20 điểm % thì các ngân hàng khác không có sự thay đổi. Một số ngân hàng vẫn còn dư địa để tối ưu hóa hệ số LDR (dư nợ tín dụng trên vốn huy động) và duy trì NIM ổn định trong kỳ.
Thứ ba, nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu được kiểm soát tốt. Do các ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu và củng cố bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng mạnh mẽ trong quý 4/2021, nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu không có quá nhiều biến động trong quý 1/2022.
Kỳ vọng vào những yếu tố mới
“Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm nay có thể đạt khoảng 24 -25% so với cùng kỳ. Cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến dao động trong khoảng 15-35%. Rủi ro lớn nhất với ngành ngân hàng hiện nay là lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến nếu lạm phát tăng đáng ngại”, SSI nhận định. |
Các chuyên gia SSI kỳ vọng, mức tăng trưởng trong quý 1 sẽ tiếp tục được duy trì sang 3 quý còn lại nhờ tăng trưởng tín dụng năm 2022 của các ngân hàng duy trì ở mức tương đối cao. Các yếu tố hỗ trợ cổ phiếu là kết quả kinh doanh quý 1, thông tin về đại hội đồng cổ đông các ngân hàng, khả năng nền kinh tế phục hồi tốt hơn dự kiến, các khoản thu nhập bất thường từ bancassurance.
Có thể nói, những nhận định trên là có cơ sở khi tăng trưởng tín dụng được dự báo ở mức cao nhờ đà phục hồi của nền kinh tế và chương trình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ của ngân hàng được kỳ vọng sẽ là những yếu tố mới, tiếp tục tăng trưởng tốt và đóng góp doanh thu ngân hàng thời gian tới.
Chẳng hạn, làn sóng ngân hàng “bắt tay” với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhằm gia tăng thêm các sản phẩm bán chéo đã sôi động trở lại. Đầu năm nay VPBank gây chú ý trên thị trường khi quay trở lại lĩnh vực chứng khoán thông qua việc mua lại hơn 97% cổ phần tại Công ty Cổ phần Chứng khoán ASC và đổi tên thành công ty Chứng khoán VPBank (VPBank Securities).
Trong tháng 2/2022, SSI cũng phát đi thông báo ký thành công hợp đồng vay vốn hạn mức 10.000 tỷ đồng, tương đương hơn 440 triệu USD với VietinBank chi nhánh Hà Nội. Mới đây, SCB ký thỏa thuận hợp tác đồng thời với công ty cổ phần quản lý quỹ Tân Việt (TVFM) trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ sản phẩm, trên nguyên tắc cam kết ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch vụ của nhau, đảm bảo cạnh tranh hiệu quả về chất lượng và chi phí…
Ý kiến bạn đọc