16,6 triệu tài khoản ngân hàng đã được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học
Ngân hàng sẵn sàng triển khai xác thực sinh trắc học Tăng xác thực, giảm rủi ro cho giao dịch ngân hàng điện tử Đảm bảo an toàn cho xã hội không tiền mặt |
Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” |
Chia sẻ tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” do NHNN tổ chức vào ngày 4/7, ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc NHNN cho biết, tình trạng thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng gia tăng mạnh, nên ngành ngân hàng đã có nhiều biện pháp, giải pháp để ngăn chặn lừa đảo, trong đó đã truyền thông mạnh mẽ cảnh báo tới khách hàng.
Đặc biệt, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345), có hiệu lực từ 1/7/2024 đã yêu cầu các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.
Theo Phó Thống đốc, bản chất của Quyết định 2345 là làm sạch tài khoản, loại bỏ các tài khoản sử dụng giấy tờ giả, loại bỏ tài khoản không chính chủ. Tuy nhiên, cũng có tình trạng thuê mở tài khoản thực hiện giao dịch bất hợp pháp. Vì thế, Quyết định 2345 thực hiện yêu cầu xác thực khuôn mặt.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng thông tin, tính đến 17 giờ ngày 3/7/2024, có 16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được các ngân hàng đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học Bộ Công an.
"Con số này có thể nói là bằng một năm ngành ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng. Về cơ bản, đa số người có tài khoản có thể xác thực được qua điện thoại có NFC. Số ít có vướng mắc và được các ngân hàng hỗ trợ tại quầy. Hiện có ngân hàng đã làm xong xác thực 2,6 triệu tài khoản khách hàng", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện lãnh đạo NHNN, Quyết định 2345 có hiệu lực có xuất hiện những ách tắc cục bộ, nhưng đến ngày 2 và 3/7 đã thông suốt hơn. Đa số người làm sinh trắc học thành công, không vướng mắc. Chỉ có khoảng 10% trong số 16,6 triệu tài khoản xác thực sinh trắc học được hỗ trợ tại quầy.
Về phía ngân hàng, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho hay, ngày đầu tiên thực hiện sinh trắc học trong chuyển tiền cũng có hiện tượng người dân gặp trục trặc, nhưng sau đó hệ thống dần ổn định. Đại diện BIDV cho hay, tính đến cuối ngày 3/7, hơn 1,7 triệu xác thực sinh trắc học thành công, trong đó có 166.000 thu thập tại quầy.
Theo dữ liệu của NHNN, đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm.
Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ VND/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.
Tuy nhiên, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, hiện nay có rất nhiều đối tượng lừa đảo, nhất là lừa đảo thông qua không gian mạng.
Vì thế, theo ông Lưu Danh Đức, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Công nghệ thông tin của SHB, để triệt để xử lý gốc rễ vấn đề lừa đảo trên ứng dụng ngân hàng điện thoại thì công tác truyền thông/giáo dục tới khách hàng phải được thực hiện mạnh mẽ, đa kênh và hiệu quả hơn nữa để người dân nâng cao ý thức cảnh giác.
Các ngân hàng cũng đề xuất sớm xây dựng quy định, quy trình, cơ chế phối hợp giữa Bộ Công an, NHNN, các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán nhằm kịp thời ngăn chặn hoạt động chuyển tiền của tội phạm.
Ý kiến bạn đọc