15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2023

(HQ Online) - Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong năm 2023, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty duy trì ổn định, bảo đảm cân đối lớn và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quan trọng cho nền kinh tế.
11 tháng năm 2023, TKV nộp ngân sách vượt kế hoạch cả năm 20%
Những bước tiến của 19 tập đoàn, tổng công ty sau 5 năm về "siêu ủy ban"
Doanh nghiệp nhà nước trước việc hoàn thành mục tiêu năm 2023

Mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu

Trong năm 2023, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt hơn 1,135 triệu tỷ đồng, bằng 105,15% kế hoạch năm 2023 và bằng 96,57% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 53.256 tỷ đồng (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), bằng 166,09% kế hoạch năm 2023 và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022. Nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 79.252 tỷ đồng, bằng 199,96% kế hoạch năm 2023 và bằng 120,22% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, 14/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu. 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế, 3 tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận là Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Cổ phần Hàng không Việt Nam (VNA). 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh. Ảnh: ST
Xuất khẩu gạo tăng mạnh. Ảnh: ST

Về xuất khẩu, một số tập đoàn, tổng công ty đã tích cực mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Chẳng hạn, sản lượng xuất khẩu sản phẩm thuốc lá vượt 24% kế hoạch năm, tăng 24% so với cùng kỳ và chiếm 79% sản lượng xuất khẩu toàn ngành.

Đặc biệt, xuất khẩu gạo tăng mạnh. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gạo của Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) ước đạt 523,31 triệu USD, bằng 176,4% kế hoạch năm (công ty mẹ ước đạt 360,02 triệu USD, bằng 141,6% kế hoạch năm); kim ngạch xuất khẩu gạo của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) đạt 700,774 triệu USD, bằng 209,75% kế hoạch năm và bằng 163,28% so với cùng kỳ (công ty mẹ đạt 391,531 triệu USD, bằng 239,75% kế hoạch năm và bằng 163,44% so với cùng kỳ)...

Chia sẻ thêm về nguyên nhân giúp xuất khẩu gia tăng, ông Phan Xuân Quế, Tổng giám đốc Vinafood 1 cho hay, năm 2023, sản lượng lương thực mua vào – bán ra của Tổng công ty ước đạt trên 1,7 triệu tấn, đạt 130% kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD.

Ông Quế nhận định, xuất khẩu gạo hiện đang đạt kim ngạch ở mức kỷ lục trong nhiều năm qua. Nguyên nhân do ngành lúa gạo đang vừa được mùa, vừa được giá, nông dân gia tăng sản xuất nên doanh nghiệp có nguồn hàng tiêu thụ dồi dào. Hơn nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong đó có Vinafood1 đã nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời từ các cơ quan quản lý, giúp các doanh nghiệp yên tâm tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tận dụng cơ hội xuất khẩu.

Tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm

Về đầu tư phát triển, năm 2023, số vốn đã giải ngân đầu tư của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu hơn 161 nghìn tỷ đồng (bằng gần 80% kế hoạch năm).

Trong đó, các tập đòan trong lĩnh vực năng lượng có tỷ lệ giải ngân đầu tư cao. Chẳng hạn, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) bằng 83% kế hoạch năm, EVN bằng 99% kế hoạch năm.

Ngoài ra, một số tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ hoàn thành thực hiện đầu tư cao, như TKV đã hoàn thành thực hiện đầu tư 8.773 tỷ đồng/9.006 tỷ đồng, tương đương 97% kế hoạch đầu tư; EVN hoàn thành thực hiện đầu tư 90.997 tỷ đồng/91.920 tỷ đồng, tương đương 99% kế hoạch đầu tư; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hoàn thành thực hiện đầu tư 31.853 tỷ đồng/57.752 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với tổng giá trị thực hiện đầu tư của các năm vừa qua.

Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận định, tiến độ giải ngân trong năm 2024 và các năm tiếp theo dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các vướng mắc, khó khăn đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý làm cơ sở để các tập đoàn, tổng công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm, có vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể là chuỗi dự án: khí - điện Lô B, khí - điện LNG Sơn Mỹ; các dự án: nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, Thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Cùng với đó, trong năm 2023, nhiều dự án kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng đã được hoàn thành hoặc được tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện.

Cụ thể, dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Kho cảng nhập LNG Thị Vải công suất 1 triệu tấn đã hoàn thành và đưa vào vận hành từ ngày 29/10/2023; dự án xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 2/12/2023.

Các dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải phòng, thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, xây dựng mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, xây dựng nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 28/4/2023.

Theo đánh giá của Ủy ban, một số tập đoàn, tổng công ty chưa đạt được một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh mà Ủy ban đã giao. Một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai và giải ngân, công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Hơn nữa, việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất tại các tập đoàn, tổng công ty nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đề ra. Một số tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng hạn định, đặc biệt là đối với các báo cáo tài chính và giám sát tài chính.

Vì thế, Ủy ban đề nghị các tập đoàn, tổng công ty phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao; khẩn trương đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế kinh tế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế...

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc

(HQ Online) - Ngày 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Đọc nhiều