"Sức khỏe" của 827 doanh nghiệp nhà nước ra sao?
Về cơ bản, các DNNN đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Ảnh: PVN |
Một số công ty mẹ có tổng doanh thu tăng trên 50% trong năm 2022
Báo cáo cho biết, tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương, tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 827 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, trong đó có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, 151 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.
Trong tổng số 827 DNNN, vẫn còn 96 doanh nghiệp có lỗ phát sinh với tổng lũy kế là hơn 30,1 nghìn tỷ đồng; có 188 doanh nghiệp còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ là hơn 76 nghìn tỷ đồng. Trong số 676 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% và trên 50% vốn điều lệ, có 64 doanh nghiệp có lỗ phát sinh, với tổng số lỗ phát sinh là 29.456 tỷ đồng; có 144 doanh nghiệp còn lỗ lũy kế 69.892 tỷ đồng. |
Theo đó, tổng tài sản của 827 DNNN đạt trên 3,92 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021. Vốn chủ sở hữu là trên 1,84 triệu tỷ đồng, tăng 3%; tổng doanh thu đạt trên 2,75 triệu tỷ đồng, tăng 29%; lãi phát sinh trước thuế đạt 247,9 nghìn tỷ đồng, tăng 23%; nộp NSNN đạt hơn 391,5 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021.
Tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 của 676 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% và trên 50% vốn điều lệ cho thấy, tổng tài sản là trên 3,82 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021. Vốn chủ sở hữu đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 3%; tổng giá trị vốn nhà nước đang đầu tư tại các DNNN là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021.
Năm 2022, tổng doanh thu của 676 doanh nghiệp trên đạt 2,64 triệu tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021. Lãi phát sinh trước thuế đạt hơn 241,1 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021. Nộp NSNN hơn 382,9 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước đó.
Tổng nợ phải trả là hơn 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2021. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 55% tổng số nợ phải trả của các DNNN.
Riêng về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của khối 77 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, tổng tài sản của khối này đạt trên 2,84 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021; nợ phải thu khó đòi là hơn 41,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4%, chiếm 10% tổng số nợ phải thu.
Về nguồn vốn, 77 doanh nghiệp này đang có nợ phải trả hơn 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021, chiếm 51% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay (vay ngắn hạn và dài hạn) từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong nước là 443,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021.
Có 3 công ty mẹ thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, lũy kế giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành tính đến ngày 31/12/2022 là 5,39 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo cũng nêu, có 6/77 công ty mẹ được xác định là chưa bảo toàn được vốn chủ sở hữu (doanh nghiệp có lỗ lũy kế sau khi trích lập các khoản dự phòng rủi ro theo quy định, vốn đầu tư của chủ sở hữu nhỏ hơn vốn chủ sở hữu).
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2022, sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, các “ông lớn” DNNN đã vực dậy và phát triển trở lại, một số công ty mẹ có tổng doanh thu tăng trên 50% so với năm 2021.
Theo đó, tổng doanh thu của 77 doanh nghiệp này đạt trên 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021; lãi trước thuế đạt trên 186,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021. Nhưng vẫn còn 19 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con lỗ lũy kế hơn 27 nghìn tỷ đồng và 8 công ty mẹ lỗ lũy lế hơn 31,8 nghìn tỷ đồng.
Còn yếu ở những ngành giúp nâng cao cạnh tranh của nền kinh tế
Với những kết quả nêu trên, báo cáo của Chính phủ đánh giá, về cơ bản, các DNNN đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên. Một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất khẩu lớn.
Ngoài ra, các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty đã đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế, là doanh nghiệp đầu tàu, chủ chốt trong các lĩnh vực sản xuất, chẳng hạn có vai trò lớn trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV)...
Đối với lĩnh vực viễn thông, Viettel, VNPT và Mobifone đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho các cơ quan của Chính phủ và nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.
Một số DNNN xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín, có ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế về nhiều lĩnh vực như dịch vụ vận tải (Vietnam Airlines), cảng biển và logistics (Tân Cảng Sài Gòn), cao su...
Tuy vậy, báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của DNNN như chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. DNNN còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng tới nâng cao cạnh tranh của nền kinh tế như công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế như sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc và thiết bị hoàn chỉnh cho các ngành sản xuất, công nghệ nguồn...
Cùng với đó, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai; công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Công tác xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quan tâm nghiêm túc; việc quyết toán cổ phần hóa chưa được thực hiện nghiêm túc, còn để kéo dài tại một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa... dẫn tới tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm, không đạt yêu cầu kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến tiến độ và nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn.
Về giải pháp, Chính phủ cho biết sẽ sửa đổi toàn diện Luật số 69/2014/QH13 nhằm hoàn thiện, xây dựng khung khổ pháp lý về quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng bộ với quá trình và nội dung sửa đổi tại Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… Cùng với đó là nâng cao hiệu quả hoạt động, sắp xếp của DNNN…
Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2025, phấn đấu 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có dự án triển khai mới, trong đó có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất lan tỏa, dẫn dắt, mang thương hiệu của DNNN. Đến hết năm 2025, có ít nhất 25 DNNN có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có ít nhất 10 DNNN đạt mức trên 5 tỷ USD. Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào NSNN bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 5-10% so với giai đoạn 2016-2020. |
Ý kiến bạn đọc