Sau đồng thuận cam kết, lãi suất huy động đã giảm
Nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất huy động tới 1% so với trước. Ảnh: Internet |
Theo khảo sát, sau giai đoạn liên tục “chạy đua” tăng lãi suất huy động, trong những ngày cuối năm này, một vài ngân hàng đã công bố mức lãi suất mới thấp hơn nhiều so với trước đó, không có ngân hàng nào điều chỉnh tăng lãi suất.
Theo đó, tại nhiều ngân hàng TMCP tư nhân, mức lãi suất niêm yết cao nhất đang xoay quanh 9,5%/năm
Cụ thể, Saigonbank đã giảm mạnh khoảng 0,4-1 điểm % ở nhiều kỳ hạn, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này giảm từ 10,5% xuống 9,5%/năm. OceanBank mới đây cũng hạ lãi suất huy động cao nhất đối với sản phẩm tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 10%/năm về 9,2%/năm. MSB điều chỉnh giảm 0,4 điểm % lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn, đưa lãi suất huy động ở mức 9%/năm với tiền gửi kỳ hạn từ 13-36 tháng, 8,9%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 9,2%/năm với kỳ hạn từ 6-11 tháng.
Tại VPBank, tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings từng có lúc lên đến 11%/năm, nay giảm còn 9,25%/năm. Ngân hàng số Cake by VPBank cũng giảm lãi suất huy động tối đa từ 9,7%/năm về còn 9,5%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên… Với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, lãi suất cao nhất giữ nguyên ở mức 7,4%/năm.
Tuy nhiên, vẫn còn ngân hàng niêm yết lãi suất huy động ở mức cao hơn so với cam kết. Chẳng hạn, tại BaoViet Bank, lãi suất tiền gửi tại quầy theo niêm yết mới nhất chỉ còn 9,4%/năm cho kỳ hạn 13 tháng thay vì mức 10,2-10,3%/năm trước đó. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi trực tuyến tại đây vẫn duy trì mức 9,75-9,8%/năm cho kỳ hạn 11-13 tháng.
Ngân hàng PVComBank hiện niêm yết lãi suất cao nhất là 9,7%/năm cho tiền gửi tiết kiệm online, kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng, nhưng cũng đã giảm 0,2%/năm so với trước.
Trước đó, vào giữa tháng 12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã đưa ra lời kêu gọi về việc thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, đã bao gồm các khoản khuyến mại cộng lãi suất nhằm ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo VNBA, tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1-8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11%/năm với số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên… Nhìn chung, so với cuối năm 2021, mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay tăng khoảng 3-4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.
Các chuyên gia nhìn nhận, lãi suất huy động thời gian qua tăng nhanh do một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng, không hẳn do gặp vấn đề thanh khoản. Hơn nữa, giao dịch tín chấp trên thị trường liên ngân hàng bị hạn chế, các giao dịch hầu như đều bị yêu cầu có tài sản đảm bảo và bị áp tỷ lệ phòng vệ rủi ro quá cao so với thời điểm trước đó; cùng với đó là áp lực thực hiện quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn khiến các ngân hàng đẩy lãi suất huy động vốn trung dài hạn lên cao hơn nhằm đảm bảo tuân thủ quy định.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA cho hay, việc một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, đồng thời dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, lãi suất huy động tăng, đẩy chi phí huy động vốn cao hơn, làm giảm biên lợi nhuận của các ngân hàng, khiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng chậm lại.
Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực nhận định, một trọng những vấn đề của nền kinh tế trong năm 2023 là nợ xấu tiềm ẩn có thể tiếp tục gia tăng. Nên nếu ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất thì nợ xấu là rủi ro hiện hữu. Ngoài ra, nếu không hạ lãi suất, ngân hàng có thể không được ưu tiên hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng năm sau.
Trong chỉ đạo mới đây đến các tổ chức tín dụng, NHNN đã nhấn mạnh sẽ theo dõi các trường hợp ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng này. Tuy nhiên, theo các ngân hàng, để thực hiện được những chỉ đạo này, các ngân hàng đã kiến nghị cơ quan quản lý có những biện pháp như hỗ trợ thanh khoản tối đa qua thị trường mở (OMO), nới tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR), hỗ trợ nghiệp vụ mua bán ngoại tệ hoán đổi...
Ý kiến bạn đọc