Nhu cầu huy động vốn lớn, ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động
Thị trường chứng khoán phản ứng với việc tăng lãi suất | |
Lãi suất tăng và nỗi lo lợi nhuận cuối năm | |
Lãi suất tiết kiệm tăng nhanh, chênh lệch huy động – tín dụng chưa cải thiện |
Lãi suất huy động nhiều ngân hàng đã tăng lên mức trên 8,5%/năm. Ảnh: Internet |
Trong thông báo mới đây, từ ngày 17/10, VPBank sẽ áp dụng biểu lãi suất mới cho kênh tiền gửi online lên tới trên 8-8,2% cho kỳ hạn trên 12 tháng với số tiền gửi trên 50 tỷ đồng. Với số tiền gửi dưới 3 tỷ đồng, mức lãi suất cao nhất cũng ở mức 7,7-8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Tuy nhiên, bảng lãi suất của ngân hàng số Cake by VPBank còn cao hơn khi từ ngày 19/10, khách hàng được gửi tiền với lãi suất lên tới 8,8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng với số tiền từ 200 đến dưới 300 triệu đồng. Với kỳ hạn dưới 12 tháng, lãi suất cố định tại ngân hàng số này cũng lên tới 8,3%/năm, thấp nhất là 5%/năm cho kỳ hạn 1-3 tháng. Dù vậy, mức lãi suất này đã hạ hơn so với mức 9,3- 9,5%/năm cho kỳ hạn từ 12-36 tháng được ngân hàng này niêm yết 2 ngày trước đó.
Với các ngân hàng khác, mức lãi suất trên 8,5%/năm cũng không phải là “hiếm có khó tìm”. SCB hiện đang dẫn đầu về mức lãi suất tiền gửi với kỳ hạn 6 tháng là 7,95%/năm, 12 tháng là 8,55%/năm; 18 tháng là 8,8%/năm; 24 tháng là 8,85%/năm, 36 tháng lên tới 8,9%/năm.
Ngoài ra, VietABank áp dụng mức lãi suất cao nhất lên đến 8,8%/năm cho kỳ hạn 13-36 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ) với hình thức gửi online. Lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng cũng được nâng lên mức 8,3%/năm. ABBank đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm theo hướng khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm tại quầy giao dịch với kỳ hạn 6 tháng hưởng lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng lãi suất 8,5%/năm, kỳ hạn 15 tháng lên tới 8,6%/năm. Kienlongbank cũng vừa tăng lãi suất cao nhất lên 8,6%/năm khi khách hàng gửi tiền từ 1 năm trở lên...
Không chỉ lãi suất huy động, các ngân hàng cũng chào bán chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, như SCB chào bán chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 8,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng; Viet Capital Bank tăng lãi suất chứng chỉ tiền gửi 18 tháng lên mức 8,4%/năm…
Áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay còn khá cao trong giai đoạn còn lại của năm. |
Theo báo cáo nghiên cứu tình hình kinh tế vĩ mô của Công ty Chứng khoán VNDirect, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng tăng lãi suất huy động VND. Trong đó, 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đã nâng lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng lên 4,4%/năm, tăng 1,03% so với đầu năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên 6,4%/năm, tăng 0,87% so với đầu năm… Đối với các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng cũng đã tăng 1,2%, kỳ hạn 12 tháng tăng 1,02% so với đầu năm.
Tuy nhiên, đà tăng này được dự báo chưa dừng lại. Theo nhóm phân tích của Chứng khoán SSI (SSI Reseach), áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động còn khá cao trong giai đoạn còn lại của năm. Bởi trên thực tế, cả các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều đang gặp nhiều khó khăn trong việc tài trợ nhu cầu vốn hoạt động. Các điều kiện trên thị trường vốn đang thắt chặt hơn với việc hạn mức tín dụng hạn chế, diễn biến trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu đều gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng dự báo, mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 do nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi; đồng thời thanh khoản thị trường chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng. Cùng với đó là nhu cầu tiền mặt mùa cao điểm – Tết Nguyên đán tăng cao vào cuối năm sẽ tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.
Đồng quan điểm, các chuyên gia VNDirect nhìn nhận, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới do nhu cầu huy động vốn, tăng trưởng huy động chậm lại cùng diễn biến tiếp tục tăng lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam. Do đó, các chuyên gia này dự báo, sang năm 2023, lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm khoảng 0,5%, đưa lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lên 7-7,2%/năm vào cuối năm 2023.
Cũng về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho biết thêm, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn từ người dân và doanh nghiệp vẫn tăng cao nhưng hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng hạn hẹp thì lãi suất cho vay chắc chắn chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, đà tăng của lãi suất cho vay sẽ không cùng tốc độ với lãi suất tiền gửi.
Ý kiến bạn đọc