Ngân hàng công bố lợi nhuận "khủng"

(HQ Online) - Mặc dù chưa phải tất cả ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, tuy nhiên, với những dự báo và kết quả đầy khả quan, danh sách ngân hàng có lợi nhuận cao gần như được tập hợp đông đủ.
Các ngân hàng đang dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Hợp tác ngân hàng - bảo hiểm: Lợi nhuận gia tăng, khách hàng... bức xúc
Dần hé lộ lợi nhuận của các ngân hàng nửa đầu năm
Vietcombank đã vươn lên giành lại ngôi đầu bảng từ VPBank.
Vietcombank đã vươn lên giành lại ngôi đầu bảng từ VPBank.

Nếu như trong quý 1/2022, vị trí quán quân lợi nhuận thuộc về VPBank do ghi nhận khoản thu nhập bất thường về phí bảo hiểm với AIA, thì sau 6 tháng, Vietcombank đã vượt lên lấy lại ngôi đầu với lợi nhuận ước tính hơn 17.000 tỷ đồng.

Hiện Vietcombank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính chi tiết quý 2/2022 và 6 tháng, nhưng theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận trong quý của ngân hàng ước khoảng 7.000 - 7.300 tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng sẽ dao động từ 17.000 - 17.300 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, ngoài lợi nhuận ghi trên sổ sách, Vietcombank còn một khoản rất lớn là quỹ trích lập dự phòng rủi ro làm “của để dành” cho lợi nhuận sau này. Lãnh đạo Vietcombank cho hay, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng tính tới cuối tháng 6/2022 là 514%, cao nhất thị trường. Ngân hàng này cũng cho biết, tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến cuối tháng 6 đạt 1,1 triệu tỷ đồng; tổng tài sản của ngân hàng đạt xấp xỉ 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 13,4% so với 2021.

Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,6% nằm trong mức khống chế kế hoạch 1,5%. NIM đạt 3,47%, tăng mạnh so với năm 2021, cao nhất trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước. Các chỉ số sinh lời ROA, ROE duy trì ở mức cao.

Dù lùi về vị trí thứ 2, nhưng kết quả kinh doanh của VPBank cũng đầy khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tương đương 52% kế hoạch năm, tăng 70% so với cùng kỳ.

Dư nợ tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt 436.000 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ là 14,3%, cao hơn mức trung bình 9,35% toàn ngành. Nhờ vậy, thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 31.600 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập thuần từ phí tăng 34,5%, thu nhập từ nợ đã xử lý tăng 26% so với 6 tháng đầu năm 2021…

Kết quả lợi nhuận 6 tháng của một số ngân hàng tính đến thời điểm cuối tháng 7. Biểu đồ: H.Dịu
Kết quả lợi nhuận 6 tháng của một số ngân hàng tính đến thời điểm cuối tháng 7. Biểu đồ: H.Dịu

Techcombank tiếp tục giữ nguyên vị trí thứ 3 về lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 với 14.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo tài chính, lợi nhuận của ngân hàng đã có sự giảm tốc trong quý 2/2022, một phần do mảng tín dụng doanh nghiệp lớn (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) sụt giảm 7% sau các động thái thắt chặt kiểm soát thị trường của cơ quan quản lý. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Techcombank quý 2/2022 chủ yếu nhờ cắt giảm trích lập dự phòng rủi ro chứ không phải đến từ tăng trưởng các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Hơn nữa, Techcombank luôn có sự tăng trưởng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ổn định, nhưng sau 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này lại giảm xuống 47,5% so với mức 50,4% cuối quý 1/2022.

Lý giải về mức giảm này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp phát triển và quản lý hợp kênh của Techcombank cho biết, sau đại dịch Covid-19, nhất là từ quý 2 khi hoạt động kinh doanh trở lại bình thường thì nhu cầu đầu tư được triển khai mạnh mẽ, khách hàng có xu hướng chuyển dịch dòng tiền sang một số sản phẩm khác như bất động sản và đầu tư chứng khoán. Nên vị này cho rằng, mức độ ảnh hưởng chỉ là tạm thời và Techcombank sẽ có giải pháp để CASA dự kiến đạt mức 50%.

Đứng ở các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hàng top lợi nhuận ngân hàng đến thời điểm này là MB khi lãnh đạo ngân hàng cho biết doanh thu toàn tập đoàn trong 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 29.900 tỷ với lợi nhuận 11.920 tỷ; trong đó, riêng ngân hàng doanh thu đạt gần 17.800 tỷ đồng, tăng 23% và lợi nhuận đạt 10.666 tỷ đồng. Tiếp đến là VietinBank và BIDV, dù 2 “ông lớn” chưa đưa ra thông báo về kết quả kinh doanh nhưng theo ước tính của SSI Research, lũy kế 6 tháng, lợi nhuận của VietinBank khoảng hơn 10.500 tỷ đồng và của BIDV là hơn 10.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, dù không đạt mức lợi nhuận cao chục nghìn tỷ đồng, nhưng một số ngân hàng tầm trung cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Chẳng hạn, MSB công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 3.336 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng; lợi nhuận 6 tháng của LienVietPostBank đạt 3.588 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái; ABBank có lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 1.662 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ; ước tính lợi nhuận trước thuế của ACB trong quý 2 là 5.000 tỷ đồng, nâng lợi nhuận nửa đầu năm lên 9.200 tỷ đồng; lợi nhuận 6 tháng đầu năm của SHB là 5.900 tỷ đồng, VIB là 5.000 tỷ đồng, HDBank ước đạt hơn 5.000 tỷ đồng…

Theo ước tính của SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 của các ngân hàng được phân tích có thể đạt bình quân khoảng 26-29% so với cùng kỳ, kết quả này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ khi tăng 10,3% so với đầu năm và tăng 18% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng cho rằng, lợi nhuận trước thuế trong quý 2 của một vài ngân hàng có khả năng giảm so với quý trước.

Trong nửa cuối năm, các ngân hàng vẫn kỳ vọng lớn vào nhiều động lực tăng trưởng, nhất là từ tín dụng. Theo các chuyên gia, các ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận cao trong 6 tháng cuối năm 2022, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng (nếu điều kiện thích hợp) và biên lợi nhuận (NIM) ổn định so với năm 2021. Ngoài ra, các ngân hàng cho biết, ngoài tín dụng, tăng trưởng sẽ còn được dựa vào động lực từ dịch vụ ngân hàng số, nguồn thu từ phí hoặc các hoạt động tài trợ thương mại…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

Phát triển hệ sinh thái để doanh nghiệp không "cô đơn" trong khu công nghiệp

(HQ Online) - Hiện cả nước có gần 300 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, nhưng với xu thế về phát triển bền vững, các doanh nghiệp mong muốn KCN được đầu tư phát triển thành hệ sinh thái, cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường cũng như có sự liên kết giữa các doanh nghiệp.
Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

Thép cán nóng HRC trong nước "cung không đủ cầu", có nên hạn chế nhập khẩu?

(HQ Online) - Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã nhập khẩu 2,65 triệu tấn sắt thép các loại, tăng 85,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thép là vấn đề còn gây tranh cãi.
Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt mức cao nhất trong các năm

Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt mức cao nhất trong các năm

(HQ Online) - Brand Finance – tổ chức hàng đầu thế giới của Anh vừa công bố Bảng xếp hạng giá trị thương hiệu toàn cầu. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trở thành thương hiệu viễn thông mạnh thứ 2 thế giới, vượt qua nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn như Swisscom (Thụy Sĩ), Jio (Ấn Độ), STC (Ả Rập Xê Út)…

Đọc nhiều