Ngân hàng có thể vận hành như công ty công nghệ tài chính trong tương lai

(HQ Online) - Theo các ngân hàng, để hình thành hệ sinh thái ngân hàng số cần sự liên kết, hợp tác và thống nhất với nhau, nhưng hành lang pháp lý cũng phải đầy đủ để phát triển trọn vẹn hệ sinh thái.
Ngân hàng gia tăng khuyến mại giao dịch trực tuyến
Làm gì cho tương lai ngân hàng số tại Việt Nam?
Ngân hàng số: Ưu tiên giải quyết thách thức
Ngân hàng số
Ngân hàng số đang được nhiều ngân hàng tập trung phát triển.

Sáng 8/9, Ban Kinh tế Trung ương, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Tọa đàm trực tuyến các lãnh đạo ngân hàng với chủ đề: “Xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số: Xu hướng và Sáng kiến chiến lược”.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Bộ Chính trị, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để xác định và xây dựng lộ trình chuyển đổi số, trong đó ngân hàng – tài chính là một trong những lĩnh vực ưu tiên.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, trước đây, việc triển khai Mobile Banking là “ước mơ” của nhiều ngân hàng, nhưng hiện đã tăng trưởng tới 200%/năm, 90% ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái ngân hàng số. Nhiều ngân hàng có tầm nhìn xa và rất “khôn ngoan” khi không vì lợi nhuận trước mắt mà tính đến tệp khách hàng lớn trong tương lai, tạo thành lượng tiền gửi không kỳ hạn rất lớn.

Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng còn nhiều điểm hạn chế. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, quá trình chuyển đổi số của ngân hàng Việt Nam chưa mang tính tổng thể, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp thời những thay đổi của công nghệ, chuyển đổi số mới tập trung chủ yếu là số hóa kênh phân phối, các hoạt động cho vay, bảo lãnh vẫn ở quy mô nhỏ lẻ hoặc “bán tự động”…

Đặc biệt, tại tọa đàm, các chuyên gia và ngân hàng thương mại đều nhấn mạnh đến cản trở của hành lang pháp lý với chuyển đối số.

Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, pháp lý về thanh toán, chuyển tiền trực tuyến đã đáp ứng được, nhưng pháp lý về tín dụng trực tuyến dành cho các tổ chức tín dụng vẫn rất khó. Cuối năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép sử dụng định danh điện tử (eKyc) nên tạo hướng mở hơn cho các ngân hàng nhưng vẫn còn nhiều thách thức.

Ngoài ra, theo các chuyên gia và ngân hàng, hiện mỗi ngân hàng lại có hướng xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số khác nhau nên khá rời rạc, việc liên kết giữa ngân hàng với các dịch vụ y tế, giáo dục, mua bán… dù đã tương đối tốt nhưng vẫn cần sự tương tác, thống nhất với nhau hơn.

Đặc biệt, một vấn đề được nêu tại tọa đàm là có nên để các ngân hàng áp dụng cách vận hành của các công ty công nghệ tài chính (fintech). Theo TS. Cấn Văn Lực, một số ngân hàng ở Hàn Quốc mong muốn trở thành công ty công nghệ về tài chính – ngân hàng. Đây là bước đi lâu dài và táo bạo nhưng cũng có thể là hướng các ngân hàng Việt Nam có thể nghĩ đến.

Nhưng khó khăn hiện nay là các ngân hàng có hệ thống quy định pháp lý rất chặt, gắn với quyền lợi của người gửi tiền, an ninh hệ thống, tài chính tiền tệ… trong khi các ngân hàng đang phải cực kỳ linh hoạt để liên kết giữa ngân hàng truyền thống và ngân hàng số, nên theo ông Lực, điều này là khó thực hiện.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc MBBank cho rằng, ngân hàng đã từng thử nghiệm theo hướng này. Nên trong tương lai, các ngân hàng có thể quản trị như công ty công nghệ tài chính – ngân hàng, vấn đề là sắp xếp nhân sự và quản trị ngân hàng như thế nào phù hợp, bởi đây thực sự là một “thứ hay ho” cần nghĩ đến, vì các ngân hàng phải tăng tốc chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay.

Trước những ý kiến nêu trên, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết sẽ tổng hợp các vướng mắc về cơ chế, chính sách cho ngân hàng số, nhằm hướng đến chuỗi sự kiện thường niên về Cách mạng công nghệ 4.0 vào tháng 11, từ đó phục vụ xây dựng đề án quan trọng cho chủ trương về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều