Năm 2023 không ghi nhận doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa

(HQ Online) - Theo báo cáo kết quả cổ phần hóa, thoái vốn từ năm 2022 đến năm 2023 của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), năm 2023 chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Khắc phục "vùng tối", thúc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Chậm cổ phần hóa do "đất vàng" không còn được chuyển mục đích sử dụng Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn khó đạt mục tiêu
Năm 2023 không ghi nhận doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa
Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm, không đạt kế hoạch.

Báo cáo cho biết, theo kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn nhà nước, giai đoạn 2022-2025 thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước đầu tư tại 141 doanh nghiệp.

Kết quả, năm 2021 ghi nhận 4 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp được phê duyệt theo phương án là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước được phê duyệt theo phương án là 196 tỷ đồng.

Năm 2022, ghi nhận bổ sung 01 doanh nghiệp cổ phần hóa (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) với tổng giá trị doanh nghiệp được phê duyệt theo phương án là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước được phê duyệt theo phương án là 278 tỷ đồng.

Trong năm 2023, theo Cục Tài chính doanh nghiệp, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch nhưng chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Về thoái vốn, năm 2022 thoái vốn nhà nước tại 1 doanh nghiệp với giá trị 195 tỷ đồng thu về 390 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại 31 doanh nghiệp với giá trị là 688,7 tỷ đồng thu về 3.900,6 tỷ đồng.

Trong năm 2023, thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp với giá trị 11,65 tỷ đồng, thu về 22,68 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, DNNN đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.

Với kết quả nêu trên, Cục Tài chính nhận xét, giai đoạn vừa qua tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN chậm, không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân chính chủ yếu phát sinh trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện.

Trong đó, việc phê duyệt phương án cổ phần hóa, phương án thoái vốn chậm, việc xử lý các tồn tại về tài chính, sắp xếp các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn kéo dài. Nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.

Vì thế, trong thời gian tới, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, căn cứ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tế, các cơ chế chính sách pháp luật sẽ tiếp tục được rà soát, nghiên cứu, sửa đổi một cách đồng bộ đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp. Trong đó rà soát, nghiên cứu về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm soạn thảo của Bộ Tài chính liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, DNNN theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tiếp tục đẩy mạnh công tác chuẩn bị, hoàn thiện các thủ tục cần thiết phục vụ triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tổ chức triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần đánh giá thận trọng để xây dựng, lập kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp, khả thi,đảm bảo không thất thoát, mất vốn, tài sản của nhà nước; đôn đốc các doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất kê khai báo cáo, lập phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo thẩm quyền.

Đặc biệt là cần xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN để tạo niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Khai trương Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8

Khai trương Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8

(HQ Online) - Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chính thức khai trương Bệnh viện Đa khoa tại Quận 8 có địa chỉ 316C Phạm Hùng, phường 5, quận 8, TPHCM. Đây là bệnh viện thứ tư trong hệ thống, mang đến dịch vụ khám chữa bệnh chuyên sâu, hiện đại cho người dân khu vực phía Tây Nam TPHCM, miền Tây Nam Bộ và các tỉnh lân cận.
Triển khai ngân hàng xanh – Xu hướng của tương lai

Triển khai ngân hàng xanh – Xu hướng của tương lai

(HQ Online) - Chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm của các ngành sản xuất hay các tổ chức chính phủ mà cần có sự tham gia của tất cả các lĩnh vực. Chắc chắn rằng, ngành ngân hàng không thể đứng ngoài công cuộc chuyển đổi xanh vì một nền kinh tế xanh và cuộc sống xanh.
Hành trình định vị thương hiệu THILOGI

Hành trình định vị thương hiệu THILOGI

(HQ Online) - Với sự tập trung không ngừng vào việc nâng cấp và hoàn thiện mô hình logistics chất lượng cao, THILOGI đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tại miền Trung, Tây Nguyên, Nam Lào và Bắc Campuchia tối ưu hóa chuỗi cung ứng, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đọc nhiều