Chậm cổ phần hóa do "đất vàng" không còn được chuyển mục đích sử dụng

(HQ Online) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6 vào ngày 6/11, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) đề nghị Bộ Tài chính trả lời về nguyên nhân của việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm.
Không phát sinh doanh nghiệp cổ phần hóa trong 8 tháng đầu năm 2023 Khắc phục "vùng tối", thúc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Thủ tục về đất đai, tài sản khi cổ phần hóa thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương
Chậm cổ phần hóa do
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) đặt câu hỏi chất vấn về tình trạng cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường chỉ ra, Quốc hội đã đặt ra nhiều yêu cầu đối với cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng việc triển khai còn rất chậm, chỉ đạt một phần nhỏ kế hoạch đề ra. Đặc biệt, đại biểu còn nêu, cơ quan thanh tra đã kết luận nhiều doanh nghiệp nhà nước có sai phạm trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước.

Lý giải về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong nhiệm kỳ, việc tiến hành cổ phần hóa chậm do nhiều nguyên nhân.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân cơ bản nhất là khi các doanh nghiệp muốn mua vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa thường nhìn vào giá trị các khu "đất vàng”, nhưng đến nay không cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thuê chuyển sang đất ở, dẫn đến không còn địa tô chênh lệch, từ đó không hấp dẫn doanh nghiệp.

Tiếp đó, phương án sử dụng đất không được chính quyền địa phương phê chuẩn. Việc tính giá trị sử dụng đất vào trong giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá… Hơn nữa, các bộ, ngành, doanh nghiệp chưa trình phương án cổ phần hóa nên dẫn đến chậm thực hiện.

Chậm cổ phần hóa do
Quảng cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 6/11. Ảnh: Quochoi.vn

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tính đến tháng 10/2023 đã có 50 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể gồm 6 doanh nghiệp thuộc Trung ương là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam Nam thuộc UBQLVNN, Công ty Mua bán nợ Việt Nam thuộc Bộ Tài chính, Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA), Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà và đô thị (HUD) thuộc Bộ Xây dựng và 44 doanh nghiệp thuộc các địa phương. Các đơn vị còn lại đang triển khai xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Về tình hình cổ phần hóa, 10 tháng năm 2023, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch nhưng chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Năm 2022 ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp nhà nước hực hiện cổ phần hóa (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.

Về thoái vốn, 10 tháng năm 2023 đã thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 8,8 tỷ đồng, thu về 19 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.

Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp nhận xét, giai đoạn vừa qua tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chậm, không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân chính chủ yếu phát sinh trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện. Trong đó, việc phê duyệt phương án cổ phần hóa, phương án thoái vốn chậm, việc xử lý các tồn tại về tài chính, sắp xếp các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn kéo dài.

Cùng với đó, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra thời gian qua chưa có chế tài xử lý trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước trong việc chậm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Vì thế, thời gian tới, Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh công tác chuẩn bị, hoàn thiện các thủ tục cần thiết phục vụ triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời là xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Đọc nhiều