Lợi nhuận ngân hàng sẽ ra sao trước tác động của đại dịch trong nửa cuối năm
Các ngân hàng có thể giảm lợi nhuận trước tác động của Covid-19. Ảnh: Internet |
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, dù là những doanh nghiệp lợi nhuận cả nghìn tỷ trong 6 tháng đầu năm 2021 như ngân hàng, thì 6 tháng cuối năm vẫn đứng trước nhiều rủi ro và nguy cơ giảm lợi nhuận.
Hiện hầu hết ngân hàng đã công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021, các ngân hàng nhỏ lại có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận rất cao, như KienLongBank tăng trưởng lên tới 682%, báo lãi trước thuế 806 tỷ đồng. NCB cũng ghi nhận mức tăng lợi nhuận đạt 447,8%... Xét về giá trị thì Techcombank đạt lợi nhuận lên tới hơn 11.500 tỷ đồng, VPBank hơn 9.000 tỷ đồng, MB gần 8.000 tỷ đồng...
Chia sẻ về nguyên nhân ngân hàng vẫn tăng trưởng lợi nhuận tốt tại tọa đàm “Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021” do BizLIVE tổ chức ngày 30/7, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, các ngân hàng Việt Nam đã nâng cao năng lực quản trị đặc biệt về vốn qua đó tăng hệ số an toàn vốn (CAR) và đáp ứng Basel II. Tiền trong tài khoản của doanh nghiệp nhiều hơn giúp tăng tiền gửi không kỳ hạn (CASA), nguồn vốn chi phí rẻ giúp thúc đẩy lợi nhuận của các ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tăng nguồn thu ngoài lãi như thu phí bảo hiểm, bảo lãnh, thu xếp hợp vốn, giấy từ có giá...
Ngoài ra, ông Lý Hoài Văn, Phó Tổng giám đốc OCB cho rằng, việc xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, phần lớn các ngân hàng đã xử lý được nợ xấu bán cho VAMC giúp nâng cao nền tảng của ngân hàng.
Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch và việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ảnh hưởng bởi Covid-19, các ngân hàng có thể bị giảm lợi nhuận.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, trong nửa cuối năm 2021, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ của các ngân hàng sẽ chậm hơn so với nửa đầu năm do các yếu tố thuận lợi không nhiều như giai đoạn đầu năm. SSI Research cho rằng, lợi nhuận tăng trưởng nửa cuối năm toàn ngành khoảng 13%, có thể nâng lên 21% đến năm 2022.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực ước tính, nếu giảm lãi suất cho vay 1% đối với dư nợ hiện hữu (khoảng 9,6 triệu tỷ đồng), lợi nhuận ngân hàng có thể bị giảm khoảng 45.000 tỷ đồng. Còn theo dự tính của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE), nếu lập tức giảm 1% lãi suất cho vay đối với 100% khoản cho vay thì mức giảm thu nhập từ lãi trong 5 tháng còn lại sẽ dao động trong khoảng 5-10% thu nhập lãi thuần ước tính cả năm nay của các ngân hàng.
Tuy nhiên, về phía các ngân hàng, chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho hay, đến thời điểm hiện tại, ngân hàng chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận. Nhưng ngân hàng đã phần nào lường trước được những ảnh hưởng của dịch bệnh trong tháng 7 và tháng 8 bằng cách trích lập bổ sung thêm khoảng vài trăm tỷ đồng vào kế hoạch lợi nhuận.
Lãnh đạo một số ngân hàng cũng cho rằng, ngân hàng vẫn có nguồn để bù đắp vào phần trích lập dự phòng rủi ro và giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Hơn nữa, kinh nghiệm năm 2020 cho thấy, qua quý 2 và 3 “lình xình” khó tăng trưởng thì quý 4 lại bùng nổ để bù lại toàn bộ lợi nhuận thoái trào trước đó, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Ngoài ra, với việc ứng dụng số hóa trong giao dịch thì chi phí hoạt động của các ngân hàng giảm đi rất nhiều. Lãnh đạo một ngân hàng lấy ví dụ, nếu khách hàng giao dịch tại quầy thì chi phí hoạt động có thể là vài chục nghìn đồng, nhưng qua kênh số lại chỉ mất vài trăm đồng, không đáng kể, nên ngân hàng miễn phí để thu hút khách hàng giao dịch.
Ý kiến bạn đọc