Lợi nhuận ngân hàng qua nửa đầu năm: Nơi đạt kỷ lục, nơi giảm sâu
Ngân hàng với bài toán thúc đẩy tăng trưởng tín dụng Lợi nhuận ngân hàng có cải thiện nhưng chưa như kỳ vọng “Soi” cổ đông ngân hàng sở hữu 1% vốn trở lên |
Nơi đạt lợi nhuận kỷ lục, nơi giảm sâu
Quán quân lợi nhuận 6 tháng tiếp tục thuộc về “ông lớn” Vietcombank dù không có tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm trước với lợi nhuận trước thuế trong quý 2/2024 đạt hơn 10.116 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước sau khi bị đi lùi 4% trong quý 1/2024. Luỹ kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt hơn 20.835 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,64% so với cùng kỳ.
Xếp thứ hai là Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ quý 2/2024 đạt 8.122 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 2/2024 là 7.827 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục theo quý của Techcombank. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Techcombank là 15.628 tỷ đồng, tăng 38,6% so với cùng kỳ.
Tiếp theo là BIDV với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 15.549 tỷ đồng, tăng 12,1%.
VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 12.960 tỷ đồng, nhích nhẹ 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng góp mặt trong câu lạc bộ ngân hàng lợi nhuận “vạn tỷ” là ACB với lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đạt 10.491 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Biểu đồ: H.Dịu. Nguồn: BCTC các ngân hàng |
Xét về tốc độ tăng trưởng, BVBank là ngân hàng đứng đầu với tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lên tới 284% khi 6 tháng đầu năm lãi ròng 153 tỷ đồng so với mức lãi 31 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023.
Tiếp sau là LPBank với mức tăng trưởng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.919 tỷ đồng sau 6 tháng.
Ở chiều ngược lại, vẫn còn một số ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận âm. Chẳng hạn, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của VIB giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Giải trình của VIB cho biết, nguyên nhân chủ yếu do VIB tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lần lượt 31% và 36% trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước; thu nhập lãi thuần trong quý 2 của VIB cũng giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Lợi nhuận 6 tháng năm 2024 của OCB cũng giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được ngân hàng đưa ra là do thu nhập từ lãi tăng không đáng kể, chi phí hoạt động tăng do ngân hàng đầu tư công nghệ, chi phí dự phòng rủi ro…
Tại ABBank, mặc dù lợi nhuận trước thuế quý 2/2024 tăng mạnh tới gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng phải bù đắp cho khoản thâm hụt lợi nhuận tại quý 1 nên tổng lợi nhuận 6 tháng giảm 14% so với cùng kỳ, ở mức hơn 582 tỷ đồng.
Tương tự, tính riêng quý 2/2024 thì lợi nhuận trước thuế của NCB tăng mạnh gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm trước lên hơn 49 tỷ đồng nên đã bù đắp cho khoản lỗ gần 41,9 tỷ đồng vào quý 1/2024. Luỹ kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của NCB đạt 7,2 tỷ đồng, giảm hơn 47% so với cùng kỳ năm trước.
Trở ngại từ khối lượng nợ xấu gia tăng
Tại họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về kết quả điều hành 6 tháng đầu năm 2024 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận xét, khó khăn cũ của ngành ngân hàng chưa qua, khó khăn mới đã tới, chính sách tiền tệ đối mặt với yêu cầu làm sao điều hành hài hoà, cân bằng các mục tiêu về lãi suất, tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh, nợ xấu đang có xu hướng tăng là điều cần lưu ý. Hiện tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%, nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC... thì con số lên khoảng 6,9% tổng dư nợ. |
Vì thế, giải trình về bức tranh lợi nhuận, nhiều ngân hàng đã “than thở” về ảnh hưởng từ biên lợi nhuận thấp khi phải giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh cầu tín dụng tăng trưởng thấp. Đi kèm là khó khăn từ áp lực nợ xấu khiến chất lượng tín dụng của đa số ngân hàng đều giảm sút. Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng không chỉ cho thấy tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ theo xu hướng tăng mà còn có sự tăng mạnh trong dư nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).
Chẳng hạn, tại ACB, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm ở mức 12,8%, đạt 550.000 tỷ đồng, cao hơn mức trung bình toàn hệ thống là 6%, nhưng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đã tăng từ 1,21% hồi cuối năm 2023 lên 1,49% sau 6 tháng năm 2024. Đáng lưu ý, nợ nhóm 5 tại ACB đã tăng gần 42%, lên hơn 5.525 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Sacombank cũng tăng từ 2,28% hồi cuối năm trước lên 2,43% sau 6 tháng.
Tại MSB, nợ nhóm 5 tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2023 lên gần 2.708 tỷ đồng, đẩy chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của MSB tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm trước.
Tại MB, dù nợ nhóm 5 giảm nhẹ nhưng nợ nhóm 4 lại tăng hơn 30%, lên 4.816 tỷ đồng...
Ý kiến bạn đọc