Khó thu hồi, tỷ lệ nợ xấu khối ngân hàng tư nhân lên tới 7,77%
Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng có xu hướng gia tăng Bộ đệm dự phòng nợ xấu của các ngân hàng tiếp tục mỏng đi VIB đang gặp thách thức trong xử lý nợ xấu và tăng trưởng tín dụng |
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu rất khó khăn. Ảnh: VGP |
Nhiều khó khăn trong xử lý nợ xấu
Báo cáo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) vào chiều 21/9/2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Quang Dũng cho biết, về chất lượng tín dụng, đến cuối tháng 7/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức 4,75%, tăng so với mức 4,55% vào cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022.
Khối ngân hàng TMCP tư nhân đến cuối tháng 6/2024 có nợ xấu nội bảng là 633 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2023, chiếm 79,65% nợ xấu nội bảng toàn hệ thống TCTD; tỷ lệ nợ xấu 7,77%.
Theo các chuyên gia và ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu tăng do khó khăn của thị trường bất động sản, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng…
Hơn nữa, các ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý nợ xấu. Tại Hội nghị, nói về những vướng mắc trong xử lý nợ xấu, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu rất khó khăn, do Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực và Luật Các TCTD mới không có quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD.
Nên theo lãnh đạo VIB, điều này dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình tố tụng và bán tài sản bảo đảm trong quá trình thi hành án. Trong khi đó, quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án theo quy định cho mỗi một vụ án thường kéo dài, trong bối cảnh ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro, dừng dự thu lãi trong khi vẫn phải trả chi phí huy động vốn hàng ngày.
Ông Đặng Khắc Vỹ nêu, thực trạng nêu trên tạo ra rủi ro lớn, đặc biệt cho TCTD có hàm lượng cho vay bán lẻ cao, khi phải xử lý rất nhiều món nợ xấu giá trị nhỏ, địa lý phân tán, dẫn đến chi phí hoạt động cao trong vấn đề thu hồi nợ và làm giảm khả năng đẩy mạnh cho vay khách hàng.
Cần cơ chế mạnh mẽ tương tự Nghị quyết 42
Từ vấn đề này, Chủ tịch VIB đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ban hành các quy định chấp nhận việc các TCTD được quyền thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm nhằm xử lý, thu hồi nợ xấu trong trường hợp hợp đồng bảo đảm được ký kết hợp pháp có quy định đầy đủ.
Với tỷ lệ nợ xấu còn cao, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão, lũ vừa qua, ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT HDBank đề nghị xem xét việc gia hạn hiệu lực của Thông tư 06/2024/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ tới sau ngày 31/12/2024 với các hướng dẫn cụ thể hơn về giãn, hoãn, thời hạn trả nợ. |
Tương tự, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Giám đốc Sacombank đề nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm theo Luật TCTD năm 2024 (ban hành các Nghị định, thông tư hướng dẫn, xem xét các biện pháp thay thế biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm). Đồng thời, có hướng dẫn chi tiết hơn về việc khởi kiện đối với việc cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm qua ứng dụng (App).
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB cũng đề nghị Chính phủ và NHNN tạo cơ chế cho việc xử lý nợ mạnh mẽ tương tự Nghị quyết 42 tạo thuận lợi cho ngân hàng thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm. Đồng thời cần có hành lang pháp lý thống nhất liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản cho ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, bởi quy định hiện nay đang thực hiện không đồng bộ giữa các địa phương, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xử lý tài sản.
Cũng liên quan đến tài sản đảm bảo là bất động sản, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, các TCTD mong muốn có thêm những hướng dẫn chi tiết trong việc nhận thế chấp liên quan đến đất sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, qua đó giúp các TCTD và khách hàng có thể phát huy, tận dụng tối đa nguồn lực, tài sản để mở rộng và phát triển kinh doanh.
Ý kiến bạn đọc